Bệnh gút

25/09/2013 09:06 GMT+7

Thưa bác sĩ, ba tôi năm nay 58 tuổi. Cách đây 2 tuần, ba tôi bị đau khớp gối và ngón cái chân phải. Đi khám bệnh bác sĩ nói bị gút, cho uống thuốc 1 tuần rồi ngưng. Vậy ba tôi có cần uống thuốc duy trì để đừng bị đau nữa hay không? Bệnh này có phải cử kiêng trong ăn uống hay không? (mekong…@gmail.com)

Thưa bác sĩ, ba  tôi năm nay 58 tuổi. Cách đây 2 tuần, ba tôi bị đau khớp gối và ngón cái chân phải. Đi khám bệnh bác sĩ nói bị gút, cho uống thuốc 1 tuần rồi ngưng. Vậy ba tôi có cần uống thuốc duy trì để đừng bị đau nữa hay không? Bệnh này có phải cử kiêng trong ăn uống hay không? (mekong…@gmail.com)

 Bác sĩ của Y - Nha khoa Vạn Phước
Bác sĩ của Y - Nha khoa Vạn Phước đang siêu âm khớp chẩn đoán bệnh gút cho bệnh nhân.

Ths-Bs Trịnh Kiến Trung, Chuyên khoa Nội xương cơ khớp, Bộ môn Nội - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Bệnh gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, đưa đến tình trạng tăng acid uric trong máu và hậu quả của quá trình trên là sự lắng đọng các tinh thể mono natri urat ở các mô trong cơ thể.

Nguyên nhân bệnh gút có 3 nhóm: nhóm thiếu hụt một số men chuyển hóa; nhóm gút thứ phát sau mắc một số bệnh (bệnh thận, bệnh ác tính cơ quan tạo máu…), sau dùng một số thuốc (thuốc kháng lao, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm corticoid…) và nhóm gút nguyên phát chưa rõ nguyên nhân (chiếm nhiều nhất  ≥ 95% trường hợp).

Về chế độ ăn uống: nên thay đổi thói quen trong ăn uống và sinh hoạt để giảm các yếu tố thuận lợi như: hạn chế ăn uống quá mức, uống rượu, gắng sức, lạnh, chấn thương, phẫu thuật, nhiễm khuẩn, stress... Hạn chế các thức ăn chứa nhiều nhân purin như  tim, gan, óc, nọng bò, hột vịt lộn, cá trích, cá đối … và giảm cân nặng. Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo (nếu có): tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành …

Về điều trị: khi đang đau, các bác sĩ chuyên khoa Nội xương khớp sẽ sử dụng thuốc kháng viêm không steroid kết hợp với thuốc giảm đau đơn thuần để cắt cơn gút cấp trong vòng vài ngày rồi sẽ ngưng thuốc. Về lâu dài bệnh nhân sẽ được điều chỉnh nồng độ acid uric trong máu sao cho đạt mục tiêu điều trị. Thông thường sẽ hướng dẫn chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân (giống chế độ ăn nêu ở trên) kết hợp với một loại thuốc chống tổng hợp acid uric trong máu (Allopurinol, Febuxostat..). Khi đạt được mục tiêu điều trị sẽ duy trì liều dùng thuốc chống tổng hợp acid uric và vẫn tiếp tục kết hợp với chế độ ăn.

Chuyên mục trên do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ. Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y -  Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.