5 trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8

30/09/2013 16:37 GMT+7

Diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Hội nghị Trung ương 8 sẽ thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đổi mới giáo dục… và một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XI - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc hoàn thành tốt chương trình Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014-2015, tiến hành thành công đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số nội dung mang tính gợi mở cho Trung ương thảo luận các vấn đề trên.

Đánh giá đúng thực trạng kinh tế-xã hội

Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế-xã hội năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương làm rõ các vấn đề: Sự ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...

Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương bám sát Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội cuối năm 2012 và thực tiễn của đất nước, của bộ, ngành, địa phương nơi công tác, phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013.

Đối với việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế-xã hội (2011-2013), cần tập trung đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, kịp thời của việc các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ngay sau Đại hội XI đã quyết định chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ phát triển nhanh sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đem lại kết quả như thế nào, có gì cần rút kinh nghiệm; việc thực hiện các mục tiêu Đại hội XI đặt ra đạt được ở mức nào, có vấn đề gì mới nảy sinh, xu hướng phát triển trong nửa nhiệm kỳ còn lại...

Từ đó, chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phải thống nhất cao về đổi mới giáo dục

Dự kiến tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ thông qua Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tổng Bí thư cho rằng “phải tạo được sự thống nhất cao, ban hành được một Nghị quyết Trung ương xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu này”.

Tổng kết Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Theo Tổng Bí thư, việc Hội nghị lần này tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là hết sức cần thiết, để thấy rõ những diễn biến phức tạp khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới, kịp thời điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trung ương cần tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn thách thức phải vượt qua để “trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thảo luận kỹ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Trước Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại các Hội nghị lần thứ 2, thứ 5 và thứ 7.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo. Tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề còn có phương án lựa chọn khác nhau, tạo sự thống nhất cao.

Thông qua Quy chế bầu cử trong Đảng

Về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị lần này sẽ xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng tập trung vào các vấn đề: Phạm vi điều chỉnh của Quy chế; việc ứng cử, đề cử, bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; thủ tục ứng cử, đề cử, bao gồm điều kiện để được đưa vào danh sách bầu cử, số dư trong danh sách bầu cử và dự kiến trước việc phân công nhiệm vụ sau khi trúng cử…

Đồng thời, Trung ương cũng sẽ quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng. Theo đó, dự kiến thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế-Xã hội; Tiếu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự; và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các Tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế-Xã hội, Báo cáo Tổng kết về việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.