|
Từ năm 2011, khi Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động, nguồn nước xả từ 2 tổ máy phát điện (tổng lưu lượng 50 m3/s) chảy về suối Cát (H.Tây Sơn) gây ra tình trạng sạt lở tại các xã Tây Thuận, Tây Giang... Dòng chảy của suối Cát vốn rộng chưa đầy 10 m nay đã lên gần 100 m. Ban quản lý dự án thủy điện 7 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak) phối hợp với UBND H.Tây Sơn đã nhiều lần kiểm kê, bồi thường thiệt hại về đất đai, hoa màu bị sạt lở cho người dân. Tuy nhiên, khu vực bị sạt lở là đất sản xuất lâu năm nhưng lại không có giấy tờ sở hữu nên người dân chỉ nhận được tiền bồi thường về cây cối và hoa màu. Vì vậy, nhiều người lo ngại nếu tiếp tục bị mất đất sản xuất thì sẽ không đủ tiền để mua đất mới hoặc đầu tư sản xuất các ngành nghề khác.
Ngoài việc bồi thường về thiệt hại, UBND H.Tây Sơn còn yêu cầu Ban quản lý dự án thủy điện 7 xây kè chống xói lở và bắc cầu qua suối Cát. Đến nay, cầu bắc qua suối Cát đã hoàn thành nhưng việc xây kè chống xói lở vẫn chưa được xử lý dứt điểm khiến người dân địa phương rất bức xúc. “Đầu tiên, Ban quản lý dự án thủy điện 7 xây kè bằng cọc tre và bao tải đựng cát, sau đó lại dùng đá đổ dọc bờ suối nhưng đều bị nước cuốn trôi. Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài thì nông dân không còn đất để sản xuất, nhà cửa cũng đang bị đe dọa”, ông Nguyễn Xuân Thanh (50 tuổi, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Thuận) nói.
Theo thống kê của UBND H.Tây Sơn, từ năm 2011 đến nay đã có gần 15 ha đất của địa phương bị sạt lở do Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak xả nước. Hiện còn khoảng 2,5 ha đất, trong đó có 1,5 ha đất trồng lúa, bị sạt lở từ giữa năm 2013 đến nay chưa được bồi thường. UBND H.Tây Sơn đã đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện 7 phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức lập hồ sơ bồi thường thiệt hại cho dân và có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đất dọc hai bên bờ suối Cát. Mới đây, Ban quản lý dự án thủy điện 7 đã thông báo là sẽ mời đơn vị tư vấn để tiến hành nắn dòng chảy suối Cát nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở.
“Nếu thực hiện mỗi việc nắn dòng chảy hay xây bờ kè thì cũng chưa hiệu quả mà phải kết hợp đồng thời cả 2 biện pháp thì mới có thể chấm dứt được tình trạng sạt lở suối Cát. Trong thời gian chưa xây kè, UBND H.Tây Sơn đã yêu cầu Nhà máy thủy điện chỉ vận hành 1 tổ máy phát điện với lưu lượng xả nước là 25 m3/s. Diện tích đất sạt lở đã quá nhiều, nếu để sạt lở thêm thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nông dân địa phương”, ông Đỗ Văn Sỹ nói.
Đền bù cho dân vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 Công ty cổ phần Công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai (chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2) vừa tiến hành đền bù cho người dân H.Đức Cơ có hoa màu bị thiệt hại trong vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Thanh Niên đã thông tin). Cụ thể, công ty tiến hành đền bù cho 143 hộ dân bị thiệt hại với mức 12 triệu đồng/ha mì, 7 triệu đồng/ha lúa đã bị hư hại vì lũ thủy điện. Tổng giá trị đền bù đợt này hơn 1,7 tỉ đồng. Công ty cũng đang thương lượng để đền bù các công trình, vườn cao su bị hư hại của các công ty đóng chân trên địa bàn H.Đức Cơ bị ảnh hưởng trong đợt lũ này. Trần Hiếu |
Hoàng Trọng
>> Vỡ kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A
>> Thủy điện gây ngập lũ, chủ đầu tư hỗ trợ 'nhỏ giọt
>> Đưa thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra khỏi quy hoạch
>> Thủy điện xả lũ gây ngập ở Kon Tum
>> Người dân A Lưới khốn đốn vì lụt từ… thủy điện
Bình luận (0)