(TNO) Cái nổi bật ở những truyện ngắn của nhà văn Đà Linh không phải kỹ thuật, mà là giọng văn. Cái giọng tưng tửng, khô khô, nhiều khi như tường thuật lạnh lùng. Nhưng giấu bên dưới cát khô lại có một mạch nước ngầm nhân ái...
|
Nhà văn Đà Linh (tên thật là Nguyễn Đức Hùng) vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 30 phút ngày 30.9.2013 tại nhà riêng, ở một con hẻm phố Đường Thành, Hà Nội. Đà Linh mất không đột ngột.
Anh đã biết trước kết cục này của mình từ 3 tháng trước, khi Bệnh viện Việt - Đức khẳng định là căn bệnh ung thư dạ dày của anh đã di căn ra toàn cơ thể. Khi tôi ra Hà Nội và tới thăm anh, Đà Linh rất mệt, nằm trên giường, nhưng sắc mặt vẫn bình thản. Anh chấp nhận số mệnh.
Chúng ta, rồi ai cũng phải chấp nhận số mệnh, cũng phải nói “vâng” với nó khi tới lượt. Nhưng Đà Linh mới 55 tuổi. Với một nhà văn, thì đó là tuổi chín chắn của sáng tác. Truyện ngắn của Đà Linh cũng thường có những cái kết khá bất ngờ, khá đột ngột. Bây giờ, anh chính là nhân vật duy nhất trong truyện ngắn cuối cùng của anh, một truyện ngắn cũng có kết thúc đột ngột. Và đau buồn.
Tôi lật giở lại tập sách Mãi mãi là bí mật của tôi in năm 2004. In ở NXB Lao Động. Nhiều năm sau, đó là NXB mà Đà Linh đã chuyển về công tác cho tới khi anh vĩnh viễn rời nó. Trong tập sách của tôi có một bài ngắn viết về một tập truyện ngắn của Đà Linh in trước năm 2004. Tôi giật mình vì cái đầu đề của bài viết này: “Khi những quan hệ bị chặt gãy”.
Nhưng với nhà văn, khi thân xác ra đi thì tác phẩm có thể vẫn còn lại, vì tác phẩm là tinh anh của nhà văn. Tôi muốn chép lại bài viết rất ngắn này như lời tiễn biệt một nhà văn, và một người em đã từng thân thiết trong rất nhiều năm.
“Khi những quan hệ bị chặt gãy”
Truyện ngắn như một ánh chớp, trước khi tắt nó vừa kịp soi rõ một cái gì. Cái gì ấy nhiều khi khá bất định, nhưng nó lại làm nên những dáng nét, dù thấp thoáng, để truyện ngắn người này khác truyện ngắn người kia.
Đà Linh cũng đã bắt đầu có “thâm niên” viết truyện ngắn, nhưng cái nổi bật ở anh không phải kỹ thuật, mà là giọng văn. Cái giọng tưng tửng, khô khô, nhiều khi như tường thuật lạnh lùng.
Nhưng giấu bên dưới cát khô lại có một mạch nước ngầm nhân ái. Đà Linh quan tâm đến số phận nhân vật, nhưng trước hết, anh quan tâm đến quan hệ giữa các số phận ấy, những mối quan hệ có bề ngoài đơn giản nhưng bên trong phức tạp. Và một khi những mối quan hệ được thiết lập giữa các nhân vật bị đứt gãy, lập tức lộ ra những khoảng trống mang tính bi kịch.
Những nhân vật của Đà Linh, phần lớn đều có chút gì đó “tưng tưng”, không bình thường. Không phải họ muốn vậy, mà thực ra, cái “kênh” của tác giả thường “tăm” được những nhân vật kiểu như vậy. Vasilli Suksin cũng từng có những nhân vật gàn gàn dở dở kiểu như vậy (nhưng dĩ nhiên Suksin xử lý truyện ở một tầm cao hơn nhiều, vì ông là một thiên tài).
Cái khát khao của những nhân vật “hơi có vấn đề” trong truyện Đà Linh thật ra lại rất bình thường. Họ muốn thiết lập những quan hệ đồng đẳng với người khác, họ khao khát sự thông cảm, tình thương yêu, và chính họ cũng khát khao yêu thương người khác. Nhưng với họ, thiết lập một quan hệ đã khó, giữ được quan hệ ấy lâu bền càng khó hơn. Chúng ta, những người được coi là “bình thường” cũng chẳng đã từng gặp những vấn đề như vậy hay sao?
Nhưng, những nhân vật của Đà Linh, một khi đã không giữ được những quan hệ như lòng họ mong muốn, họ lại không biết phải giải quyết nó như thế nào! Họ có thể hơi gàn dở, nhưng họ tin vào những điều tốt đẹp! Vì thế, khi những phía thấy được của cuộc đời mở ra những điều họ không muốn thấy, thì họ đành quay mặt...!
Họ bất định lắm, nhưng biết làm sao, vẫn có những con người như vậy trong đời mà! Nếu không có họ, không có những bất định “lửng lơ con cá vàng” của họ, thì đời rồi sẽ ra sao?
Những truyện ngắn của Đà Linh thường không có hậu, nó có những cái kết bỏ ngỏ, những câu chuyện dang dở, những số phận nhân vật chưa đi tới tận cùng. Nó hy vọng người đọc tìm ra những đáp án, đáp số. Nó dành hẳn cho người đọc quyền phán quyết. Nó không hề gợi ý người đọc nên xử lý như thế nào.
Khi những quan hệ giữa con người hay giữa con người với thiên nhiên bị chặt gãy, hay đơn giản chỉ là “có vấn đề”, thì chính người đọc sẽ quyết định về cái “khoảng trống” mà truyện ngắn Đà Linh thả ra...
Quảng Ngãi, 2003
Thanh Thảo
>> Nhà văn Đà Linh qua đời
>> Giáo sư Hoàng Như Mai từ trần
>> Vĩnh biệt anh Hoàng Hoài Sơn
>> Nhà văn Hoàng Tiến qua đời
>> Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng
>> Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú qua đời
>> Thầy Hoàng Như Mai đọc thơ
>> Tôn vinh GS - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai
>> Mừng thọ Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai
>> Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp
>> Điều chỉnh phương án xây dựng Nhà văn hóa Thanh niên
>> Nhà văn trong thời đại toàn cầu
>> Giao lưu với nhà văn Nhật viết về bà Nguyễn Thị Bình
>> Nhà văn Nhật tặng tiền bán sách cho nạn nhân chất độc da cam VN
>> Cảnh cáo Ban Giám đốc NXB Hội Nhà văn
>> Nhà văn gõ cửa thời Đổi mới
>> Tạ Duy Anh: Phần lớn nhà văn "thiếu tiết tháo"!
>> Phóng viên Báo Thanh Niên được trao giải Hội nhà văn VN 2012
Bình luận (0)