|
>> ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,2% năm 2013
>> VAMC không thể ‘xử’ được hết nợ xấu
>> Tổng giám đốc VAMC: 'Hy vọng không phải ép các ngân hàng bán nợ
Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2013 được công bố ngày hôm nay (2.10). Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam, đánh giá hiện tại khu vực tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Điều này cũng xuất phát từ thực tế là các DN nợ nhiều và rất khó vay thêm trong thời gian này.
Ở khu vực nhà nước, Chính phủ đã có một số biện pháp hỗ trợ khác nhau khác nhau ví dụ như việc hỗ trợ cho thị trường bất động sản với chính sách xây dựng nhà ở thu nhập thấp.
Theo ADB, các động lực từ bên ngoài vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng đang chậm lại trong khi động lực trong nước cũng không ổn định. Theo ADB, động lực đóng góp cho tăng trưởng chủ yếu vẫn là từ phía các doanh nghiệp FDI.
Theo tính toán của ADB trong 6 tháng đầu 2013, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã có mức giảm nhẹ so với cuối năm 2012. Nguyên nhân của vấn đề này là do lượng nhập khẩu tăng nhiều.
ADB cho rằng việc tiếp tục giảm lãi suất nếu không kèm theo giải quyết nợ xấu sẽ làm tăng áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối, từ đó gây mất ổn định cho kinh tế vĩ mô.
Nợ xấu là vấn đề then chốt
Mặc dù đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) nhưng ADB cũng nêu rõ hiện tại quy mô cũng như cách thức xử lý nợ xấu của VN chưa hoàn toàn rõ ràng.
Theo báo cáo của ADB, các tổ chức tín dụng báo cáo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4,5% trên tổng số cho vay trong 6 tháng đầu năm, so với 4,1% cuối. NHNN uớc tính tỷ lệ nợ xấu vào tháng 2.2013 là 6,0%, dựa trên kết quả của hệ thống giám sát gián tiếp đối với ngân hàng thương mại, nhưng các nhà phân tích độc lập lại cho rằng con số thực tế phải cao hơn từ 3-4 lần, nếu áp dụng các chuẩn mực kế toán và trích lập dự phòng quốc tế.
Theo chuyên gia Dominic Mellor của ADB, nguồn vốn của VAMC có đủ khả năng xử lý nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Chuyên gia này cũng nêu ra bài học về chuyện Vinashin, một doanh nghiệp nhà nước, đã đi vay nhưng không có thế chấp cho thấy sẽ có những khoản vay tương tự đối với các ngân hàng khác.
“Nếu vậy VAMC có thể làm gì”, ông Mellor đặt câu hỏi.
|
Về việc chuyển tài sản thế chấp, theo đại diện ADB nếu ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC, việc chuyển nợ xấu này sang VAMC cũng đồng thời với việc chuyển tài sản thế chấp. Với tài sản là đất, bất động sản thì liên quan đến luật Đất đai. “Nếu một DN phá sản thì đất phải trả lại cho nhà nước chứ không phải tài sản thế chấp. Câu hỏi đặt ra là hiện nay luật Đất đai đang được sửa đổi có được xử lý vấn đề này không?”, ông Mellor nói.
Bên cạnh đó là những vấn đề như việc chuyển tài sản bảo đảm sang cho VAMC; cơ chế định giá các khoản nợ xấu sẽ được thực hiện thế nào khi chưa có các hành lang pháp lý rõ ràng?
“Khi bán nợ xấu sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu họ không biết rõ giá tài sản được bán so với giá thị trường như thế nào thì sẽ không ai đủ can đảm để mua nợ xấu này”, ông Mellor nói.
Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura, việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.
Đại diện ADB cũng khuyến cáo nếu việc hạ lãi suất tiếp được thực hiện mà không kèm xử lý nợ xấu có thể gây ra bất ổn. “NHNN cần phải rất thận trọng với các bước đi của mình, chỉ có thể hạ lãi suất đi cùng xử lý nợ xấu đó là cách đi lâu dài ổn định bảo đảm đạt được kết quả tích cực dài hạn”, ông Mellor khẳng định.
ADB nhận xét, cốt lõi của vệc giải quyết nợ xấu liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Mellor, điều đáng tiếc là VN chưa đạt được tiến độ cần thiết trong việc tái cơ cấu DN nhà nước. Đại diện ADB cho biết, Việt Nam cần có quyết tâm chính trị để đẩy nhanh quá trình cải cách DN nhà nước và khu vực tài chính.
Trường Sơn
Bình luận (0)