Tổ đại biểu Quốc hội được bầu cử tại địa bàn này gồm 3 người là: Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Huỳnh Ngọc Ánh và bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu Rất nhiều cử tri muốn phát biểu tại buổi tiếp xúc |
Thành phần lãnh đạo “hùng hậu”
Dường như Ban tổ chức đã biết trước được sức “nóng” của buổi tiếp xúc cử tri này nên đã mời một lực lượng lãnh đạo các sở ngành khá hùng hậu trực tiếp có mặt để lắng nghe ý kiến và giải đáp các thắc mắc của cử tri; gồm: Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đào Anh Kiệt; Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Trần Chí Dũng; Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn; Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương; Phó giám đốc Sở Tài chính Tạ Quang Vinh; lãnh đạo Thanh tra thành phố…
Bên cạnh đó, Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Văn Hiếu; Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Cư; Thường trực Quận ủy, UBND quận 2 và lãnh đạo các phòng ban, các phường trên địa bàn quận cũng trực tiếp có mặt tại buổi tiếp xúc.
Ban tổ chức chia buổi tiếp xúc ra thành 2 phần. Phần 1 góp ý các dự thảo luật trôi qua khá “êm đềm” nhưng khi đến phần 2 (cử tri phản ánh về việc đền bù, giải tỏa trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm) bỗng chuyển sang hết sức “nóng bỏng”.
Mở đầu phần 2, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết những lần tiếp xúc cử tri trước đây, bà con mong muốn được đối thoại với chính quyền thành phố về quá trình triển khai dự án Khu độ thị mới Thủ Thiêm. Do đó, lần tiếp xúc này, tổ đại biểu Quốc hội đã mời đầy đủ các sở ngành liên quan, những người có mặt đều nắm rõ các nội dung liên quan, để đáp ứng yêu cầu của bà con cử tri.
Mặc dù bà Tâm đã đề nghị bà con cử tri phát biểu “hết sức kiềm chế” nhưng dường như vì quá bức xúc chuyện đền bù, giải tỏa nên các ý kiến cử tri cứ dồn dập được nêu ra.
Bức xúc chuyện đền bù, giải tỏa
Hầu hết các ý kiến cử tri nêu lên đều bày tỏ sự bức xúc chuyện đền bù, giải tỏa trong thời gian qua.
Bày tỏ về vụ việc của gia đình mình, cử tri Phạm Ngọc Hậu than thở: “Chúng tôi hết khiếu nại cơ quan này đến khiếu nại cơ quan khác, khiếu nại từ địa phương đến trung ương nhưng chỗ nào cũng trả lời chung chung, chỗ này “bán cái” sang chỗ kia”. Ông Hậu thẳng thắn đề nghị tổ đại biểu Quốc hội phải giám sát và có ý kiến về trách nhiệm trả lời khiếu nại cho cử tri.
Ông Hậu vừa dứt lời, cử tri Ngọc Loan (có đất bị thu hồi trong dự án 87 ha thuộc địa bàn phường An Phú) tiếp tục than: “Đất của gia đình tôi bị thu hồi đã lâu rồi (bà Loan nói cụ thể là 5 năm, 6 tháng, 23 ngày) nhưng hiện vẫn chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ, mặc dù quận đã nhiều lần hứa thực hiện”. Bà Loan bức xúc: “Nếu không đền bù thì hủy quyết định thu hồi, trả lại đất”.
Đến lượt mình, cử tri Phạm Thế Vinh cho biết “sẽ đọc 1 báo cáo 50 trang sự thật” về chuyện triển khai dự án, đền bù và giải tỏa, nhưng ông chỉ đọc được 1 đoạn ngắn vì không có thời gian trình bày.
Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh đứng lên phát biểu về mức giá đền bù cho dân thấp, trong khi mức giá chung cư tái định cư lại cao khiến người dân không đủ sức mua, hoặc đã mua rồi thì phải chịu cảnh nợ nần. Ông Thịnh đề nghị: “Chúng tôi phát biểu đúng hay sai thì các vị đại biểu Quốc hội giám sát và trả lời; chứ không giám sát và trả lời dứt khoát thì chúng tôi còn phát biểu nữa”.
Cử tri Lê Thị Nga cũng bày tỏ sự không đồng tình về chuyện đền bù, giải tỏa. Bà Nga nhìn nhận: "Chính sách đưa ra các vị nói rất hay, rất chuẩn, rất đầy đủ mà sau đó lại không đi vào cuộc sống. Nếu mọi việc diễn ra chí công vô tư thì chúng tôi sẵn sàng chấp hành”.
Trong khi đó, đến lượt mình phát biểu nhưng cử tri Nguyễn Phi Thường lại đề nghị “muốn phát biểu sau cùng khi có ý kiến của các sở ngành”.
Việc này chúng tôi làm rất trong sáng…
Lần lượt lãnh đạo các sở ngành của thành phố được mời lên giải trình ý kiến của cử tri phản ánh.
Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Trần Chí Dũng khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (so với Quyết định ban đầu của Thủ tướng Chính phủ) là đúng quy định.
Không đi vào các vụ việc cụ thể, Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường Đào Anh Kiệt cho biết căn cứ pháp lý để thu hồi đất “rất dài” và “đúng thẩm quyền của thành phố”.
Về vấn đề đất của người dân nằm ngoài hay nằm trong ranh thu hồi, ông Kiệt nói “chuyện này rất tế nhị”, nhưng ông khẳng định: “Việc này chúng tôi làm rất trong sáng, minh bạch!”.
Về tính pháp lý của Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà cử tri cũng có đặt ra, ông Kiệt nhắn gửi: “Phải giở hết các báo cáo ra để cùng nhau bàn”.
Nói về mức giá bán chung cư tái định cư cao hơn giá đề bù, Phó giám đốc Sở Tài chính Tạ Quang Vinh trần tình: “Giá cả bao giờ cũng đi theo vị trí và chất lượng”.
Đến lượt mình phát biểu, Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương cũng khẳng định: “Các văn bản, quyết định đã ban hành của UBND thành phố (về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm) đều đúng quy định pháp luật tại thời điểm ban hành”…
Đã chi trả bồi thường hơn 16.715 tỉ đồng Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến nay, để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đã chi trả bồi thường hơn 16.715 tỉ đồng cho 14.322 hồ sơ trên tổng số 14.340 hồ sơ nhà đất với diện tích đất bồi thường hơn 714 ha. UBND thành phố cho biết đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 hạ tầng kỹ thuật một phần khu dân cư phía Bắc, hiện chủ đầu tư đang triển khai công tác lập quy hoạch 1/500; đang tiến hành lập dự án nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới (để khởi công xây dựng vào đầu năm 2014); dự án cầu đi bộ và dự án Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông (thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Các dự án đã được kêu gọi đầu tư và chấp thuận như: dự án khu dân cư giao cho Tập đoàn G.S E&C (Hàn Quốc), dự án khu nhà thấp tầng thuộc khu dân cư phía nam Đại lộ Đông Tây (khu II), dự án khu phức hợp Tháp Quan sát, dự án đầu tư xây dựng bệnh viện, dự án khách sạn cao cấp phía đông.... Hiện vẫn còn nhiều dự án đang được kêu gọi đầu tư: dự án đầu tư xây dựng trường học với tiêu chuẩn quốc tế tại lô 3-4; dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư phía bắc; dự án khu lâm viên sinh thái phía nam... |
Không chấp nhận kết quả giải quyết thì có thể khởi kiện ra tòa Tại buổi tiếp xúc, có cử tri được phát biểu đến 3 - 4 lần, thế nhưng vẫn “xin nói thêm chút nữa”. Có cử tri còn tự đưa ra điều kiện “nếu chúng tôi phát biểu vu khống thì cứ xử lý theo quy định” để được phát biểu. Xong phần phát biểu các sở ngành và lãnh đạo quận 2, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi: “Bà con cử tri có thêm ý kiến gì?”, thì có rất nhiều cánh tay cùng lúc đưa lên đề nghị được phát biểu. Vì thời gian có hạn nên bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắn gửi: “Nếu chưa hài lòng thì bà con có thể gặp các đơn vị chức năng để được giải quyết”. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: “Cử tri đã nhiều lần ý kiến và cũng đã nhiều lần thành phố giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm được”. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong quá trình triển khai dự án không tránh khỏi những thiếu sót. Nếu có thiếu sót thì khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đây là một dự án rất lớn của thành phố. Ý kiến của các bên (người dân và chính quyền thành phố) phải “đọ” lại với nhau, cái gì không đúng thì nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa. “Vụ việc gì đã được thành phố giải quyết rồi mà bà con cử tri chưa đồng ý thì có thể khởi kiện ra tòa. Chúng ta không nói trên tinh thần cầu thị thì rất khó gặp nhau”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tâm tình. Buổi tiếp xúc cử tri đến gần 12 giờ 30 mới tạm kết thúc. Đông đảo bà con cử tri kéo đến gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Quyết Tâm để gửi đơn phản ánh. |
Bài, ảnh: Đình Phú
Bình luận (0)