Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

05/10/2013 03:30 GMT+7

Từ Tuần lễ văn hóa Toulouse trở về nhà khoảng 20 giờ 30 tối qua, tôi được tin sét đánh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần lúc 18 giờ 09 ngày 4.10.2013 tại Bệnh viện Quân đội 108.

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y (tháng 5.1973) - Ảnh: TTXVN

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
>> Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên
>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ

Đại tướng nằm viện từ hơn hai năm nay và tuổi cao, sức khỏe giảm sút dần, nhưng vẫn tỉnh táo khi có người vào thăm. Ai cũng biết quy luật của tạo hóa là “nhân sinh tự cổ thùy vô tử” nhưng ai cũng cầu mong kéo dài cuộc sống của Đại tướng với niềm hy vọng thiêng liêng. Chính vì vậy tin Đại tướng ra đi dù như được báo trước vẫn là một tin sét đánh, tin đau thương choáng váng.

Tất cả chúng ta và cả thế giới đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng tổng tư lệnh đã chỉ huy hai cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam, là một trong những vị tướng soái, một nhà chiến lược quân sự lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại. Trong hai cuộc kháng chiến này, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin cậy giao trọng trách nắm toàn bộ quyền chỉ huy quân sự với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội và Bí thư Tổng quân ủy. Ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đó, xứng đáng với niềm tin yêu của quân đội và nhân dân. Ông được quân đội tôn vinh là “Người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” và nhân dân coi ông là vị tướng của nhân dân. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và binh nghiệp rạng rỡ của ông được xuất bản trong nước và trên thế giới. Tên tuổi, sự nghiệp, cống hiến của ông đã đi vào nhiều từ điển bách khoa và bách khoa thư của các nước. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã từng vang lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước như biểu tượng của Việt Nam, ngọn cờ tiền phong của phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Ông trở thành một vị tướng huyền thoại của chiến tranh nhân dân, tiêu biểu cho sức mạnh của một nước thuộc địa bị coi là “nhược tiểu” dám đương đầu và chiến thắng những đế chế hùng mạnh bậc nhất của thời đại. 

Vị tướng độc đáo

Đối với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa, nhà sử học lớn. Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi tạc vào lòng dân muôn thuở không mờ phai.

So với nhiều thống soái trong lịch sử Việt Nam và thế giới, ông có những nét độc đáo.

Trong số các vị tướng lừng danh trên thế giới, ông là người duy nhất đã sống trên trăm tuổi, xuyên suốt gần cả thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21.

Ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và là người chép lại chính những trang sử đó. Những hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng là những bộ sử sống động của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam. Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục của cuộc chiến tranh.

Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa giành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được. Trước đây, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đã soạn được hai bộ binh thư: Binh gia yếu lược (hay Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng cả hai đều thất truyền. Hiện chỉ còn Hịch tướng sĩLời di chúc của Trần Hưng Đạo là một phần tổng kết mang tính binh thư.

Thế kỷ 18, nhà quân sự lỗi lạc Đào Duy Từ viết bộ binh thư thứ ba là Hổ trướng khu cơ còn truyền đến nay. Đào Duy Từ không trực tiếp cầm quân nhưng giữ vai trò như cố vấn của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn.

Mãi đến ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh đã để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại. 

Nhà sử học, nhà văn hóa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa là nhà sử học. Trước khi trở thành nhà quân sự, ông đã là nhà báo, nhà sử học, thầy giáo dạy sử. Đã mấy lần trong trao đổi thân tình, ông nói với chúng tôi, hiểu biết và tư duy sử học giúp ông rất nhiều trong chỉ huy kháng chiến. Theo ông, có sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó. Về phương diện này, chiến tranh là thử thách ác liệt nhất rèn luyện tư duy và nhận thức khách quan của con người mà chỉ một nhầm lẫn nhỏ có khi phải đổi bằng tổn thương lớn, thậm chí thất bại nặng nề. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tướng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử chống ngoại xâm, viết nhiều luận văn về lịch sử quân sự, về một số chiến công và danh nhân như chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Đống Đa, nhân vật Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... cùng một số tướng lĩnh thời hiện đại.

Trong nghiên cứu lịch sử và trao đổi với các sử gia trong và ngoài quân đội, Đại tướng đặc biệt lưu ý chúng tôi cần kiểm tra và tìm hiểu sâu sắc những khái niệm mà tổ tiên đã tổng kết như “ngụ binh ư nông” thời Lý; “dân binh”, “dĩ đoạn chế trường” thời Trần; “lập cước chi địa”, “dĩ nhược chế cường, dĩ quả địch chúng” thời khởi nghĩa Lam Sơn để thấy đúng tầm khái quát qua các thời kỳ lịch sử, sự tiến triển của tư tưởng quân sự Việt Nam. Ông có những phân tích và nhận xét sâu sắc về tính sáng tạo đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ. Ông cho rằng các cuộc kháng chiến hay khởi nghĩa thắng lợi đều là chiến tranh yêu nước mang tính nhân dân cao. Ông nhấn mạnh nền tảng quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến, quyết định sức sống bền bỉ của dân tộc là nền văn hóa dân tộc. Vì vậy ông rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Đại tướng gợi ý: hình như qua lịch sử chống ngoại xâm đã hình thành một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự mang tính độc đáo và sáng tạo của Việt Nam, tồn tại như một trường phái quân sự Việt Nam hay một học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng không chỉ để lại một số công trình nghiên cứu lịch sử mà còn đề ra một số hướng nghiên cứu phản ánh một tư duy sử học rất sắc sảo.

Như chim đại bàng bay về nơi vô tận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng tên tuổi, nhân cách, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với non sông đất nước và nhân dân Việt Nam. 

“Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân dân”

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamara trong cuộc gặp ngày 23.6.1997 - Ảnh: tư liệu tạp chí Xưa và nay

Ngày 23.6.1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có cuộc gặp gỡ với ông Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Đây là hoạt động trong Hội thảo Việt Mỹ được coi là lần đầu tiên giữa các cựu quan chức và học giả hai nước trao đổi về quan hệ hai nước trong quá khứ với mục đích rút ra bài học tương lai.

Sau câu hỏi của ông Robert McNamara bằng cách nào Việt Nam đối phó được với những vũ khí hiện đại của Mỹ, một câu hỏi được mọi người chú ý đặt ra: vị tướng nào trong chiến tranh được tướng Giáp đánh giá cao nhất?

Đại tướng trả lời: “Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng đã có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng. Cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.

 Nhà sử học Dương Trung Quốc (ghi)

Năm tháng và cuộc đời

Năm 1925-1926: Tham gia vào phong trào học sinh ở Trường Quốc học Huế.

Năm 1929: Vào Đảng Tân Việt cách mạng, cùng một số đồng chí cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (lúc đầu là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn). Tham gia viết Báo Tiếng Dân.

Năm 1930: Bị bắt trong vụ cứu tế Nghệ An đỏ ở nhà in Báo Tiếng Dân, bị kết án 2 năm tù. Ra tù mất liên lạc với tổ chức; một thời gian sau ra Hà Nội dạy học ở  Trường Thăng Long, tuyên truyền và gây cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, tiếp tục học thêm cho đến đại học. 

Từ năm 1936: Tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ, ở trong Ban lãnh đạo nửa hợp pháp của Đảng, lãnh đạo phong trào thanh niên, học sinh ở Hà Nội.

Thành lập Báo Hồn trẻ, cùng một số đồng chí sáng lập và biên tập các báo Le Travail (Lao động), báo Notre voix (Tiếng nói chúng ta), báo En avant (Tiến lên), báo Rassemblement (Tập hợp), viết báo Đời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ giải phóng.

Tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.

Năm 1940: Được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 6.1940: Làm thủ tục kết nạp vào Đảng. Được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi Diên An, giữa đường được chỉ thị trở về Quế Lâm hoạt động ở biên giới Trung - Việt. Về nước, cùng ở với Bác Hồ tại Pác Bó. Sau Hội nghị T.Ư lần thứ 8, được giao nhiệm vụ vận động đồng bào ở Hòa An và Nguyên Bình, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, lập ra những xã hoàn toàn, châu hoàn toàn (hoàn toàn tham gia Việt Minh).

Năm 1941: Tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa ở Cao-Bắc-Lạng.

Năm 1942: Phụ trách Ban Xung phong Nam Tiến, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Tháng 12.1944: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Tháng 4.1945: Tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ.

Tháng 5.1945: Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.

Tháng 6.1945: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng.

Tháng 8.1945: Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư. Sau đó được cử vào Ban Thường vụ Ban Chấp hành T.Ư và Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.

Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng - Đoàn Chính phủ.

Tháng 1.1946: Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (liên tiếp là đại biểu các khóa II, III, IV, V, VI, VII).

Tháng 3.1946: Chủ tịch quân sự ủy viên Hội trong Chính phủ liên hiệp.

Khi thành lập Quân ủy T.Ư là Bí thư Quân ủy T.Ư.

Tháng 11.1946: Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ mới. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam.

Năm 1948: Được phong quân hàm Đại tướng.

Tháng 2.1951: Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, được T.Ư cử vào Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy T.Ư.

Tháng 9.1955: Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 9.1960: Tại Đại hội lần thứ III của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư, được cử vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Quân ủy T.Ư.

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân thăm lại Điện Biên năm 2004 - Ảnh: Việt Dũng

Tháng 4.1976: Là Đại biểu Quốc hội khóa VI nước CHXHCN Việt Nam. Được cử làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp 4
Bác Hồ đang giao nhiệm vụ cho Đại tướng - Ảnh: TTXVN

Tháng 12.1976: Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư và được T.Ư cử vào Bộ Chính trị. Tiếp tục làm Bí thư Quân ủy T.Ư cho đến năm 1978.

Tháng 1.1977: Được phân công làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách quốc phòng và khoa học kỹ thuật.

Tháng 1.1980: Được phân công làm Phó thủ tướng, tiếp tục phụ trách khoa học và kỹ thuật, tháng 12 năm ấy phụ trách thêm công tác khoa giáo (phụ trách khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội).

Tháng 4.1981: Đại biểu Quốc hội khóa VII, được cử lại làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 3.1982: Đại hội lần thứ  V của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng.

Là Phó thủ tướng phụ trách công tác khoa học và công tác giáo dục đào tạo và chỉ đạo công tác nghiên cứu dự báo chiến lược khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội.

Từ 1992 đến nay: Chủ tịch Danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Chủ nhiệm đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, kiêm cố vấn chương trình  khoa học cấp nhà nước và “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Chủ tịch Danh dự Hội Khuyến học Việt Nam.

Chủ tịch Danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).

Chủ tịch Danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

(Theo Tài liệu của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Báo chí thế giới đưa tin Đại tướng từ trần

Ngay trong tối qua, hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới đã đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Trên tờ Le Monde (Pháp) phiên bản điện tử, ký giả kỳ cựu Jean-Claude Pomonti có bài viết nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng và đánh giá: “Ông sẽ lưu lại trong lịch sử như là một trong những thủ lĩnh quân sự lớn nhất thế kỷ 20, người duy nhất đã lần lượt đánh bại nước Pháp và đương đầu với Mỹ.

Đánh sụp cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 5.1954 và giải phóng Sài Gòn tháng 4.1975 mãi mãi là những chiến công của một nhà lãnh đạo có tầm vóc phi thường về mọi mặt: uy vũ cá nhân, tài năng thiên bẩm về hậu cần, nhà chiến thuật vô song. Không thể phủ nhận những chiến thắng đó đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hàng những nhà chiến lược vĩ đại của Việt Nam, những người qua hàng thế kỷ đã chặn đứng thành công con đường đi về phương Nam của người Trung Hoa, sau khi đã đánh đuổi họ ra khỏi mảnh đất này. Về phần mình, Võ Nguyên Giáp đã đóng góp to lớn vào việc làm thất bại sự trở lại của người Pháp, và ngay sau đó, đập tan ý đồ thế chân của người Mỹ, ngay giữa cuộc Chiến tranh lạnh”.

V.Lý (dịch)

GS Phan Huy Lê 

>> Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên
>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ
>> Những hình ảnh cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> “Tôi đang dịch sách về Võ Nguyên Giáp”
>> “Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi”
>> 21 ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải làm cho nước ta vừa anh hùng, vừa giàu mạnh”
>> Báo Anh ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.