|
Với diện tích gần 4.000 m2, bảo tàng bao gồm khu trưng bày ngoài trời và các phòng chức năng bên trong. Khu trưng bày ngoài trời rộng, có nhiều hình ảnh gần gũi gắn với sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc mọi miền đất nước. Bên trong có 5 phòng trưng bày được xây dựng trên cơ sở nhóm ngôn ngữ kết hợp với tộc người, văn hóa vùng, giới thiệu bản sắc văn hóa 54 tộc người gắn với cảnh quan, đời sống từng vùng cư trú.
Đến đây, du khách sẽ thấy được toàn cảnh bức tranh văn hóa các dân tộc anh em ở Việt Nam trải dài từ cực bắc Hà Giang đến vùng đất mũi Cà Mau với những hình ảnh gần gũi như: các phiên chợ vùng cao, cảnh săn bắt voi rừng, hình ảnh chọc lỗ bỏ hạt của người dân tộc phía bắc, lễ hội cồng chiêng của người Ê đê, Ba na ở Tây nguyên; sông nước của đồng bào Nam bộ; các nghề thủ công truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực, lễ hội trong sản xuất lao động…
Và tại đây, du khách cũng dễ dàng tận mắt nhìn thấy nhiều dụng cụ vốn rất quen thuộc từ xưa của dân tộc như cái cối xay lúa đan bằng nan tre, cái cày bằng cây thô sơ, những mái nhà lợp tranh, vách đất,… Bên cạnh đó, du khách còn diện kiến một khối tài liệu lớn với trên 4.500 văn bản gốc các loại phim ảnh, hơn 300 tài liệu khoa học bổ trợ và khoảng 1.400 tài liệu chữ viết.
Đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên, một trung tâm văn hóa lớn với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc, chúng ta sẽ thấy mình có thêm kiến thức về văn hóa, thấy được một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về đời sống của nhân dân và lòng tự hào về bản sắc dân tộc. Ngoài tham quan bảo tàng, du khách còn có thể về thăm khu căn cứ cách mạng An Toàn - khu ATK và đến vui chơi khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc cách đó không xa.
Đào Tấn Trực
>> Già làng Châu Ro và "bảo tàng văn hóa" độc nhất vô nhị
Bình luận (0)