(TNO) Phân nửa số nhà máy điện hạt nhân Mỹ sử dụng uranium từ các đầu đạn hạt nhân của Nga để sản xuất điện trong suốt 15 năm qua.
Hiệp ước mua bán uranium làm giàu được Mỹ, Nga ký kết vào năm 1993. Theo đó, 500 tấn uranium lấy từ các đầu đạn hạt nhân của Nga sẽ được dùng để sản xuất điện hạt nhân cho nước Mỹ. Hiệp ước này kết thúc vào tháng tới trong bối cảnh Nga than phiền rằng Washington đã mua năng lượng của Nga với giá quá rẻ, tin tức từ AFP ngày 10.10.
Phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Mỹ phụ trách về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, cho biết hiệp ước 1993 là một thành công trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Bà Gottemoeller cho biết phân nửa các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ sử dụng uranium mua từ Nga để sản xuất điện cho nước này trong 15 năm qua.
Các chuyên gia về kiểm soát vũ khí cho biết hiệp ước 1993, mặc dù ít ai biết đến, nhưng là một ví dụ điển hình thể hiện cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga.
Hiệp ước 1993 được ký kết nhằm cụ thể hóa việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nằm trong khuôn khổ Hiệp ước Giải trừ vũ khí chiến lược năm 1991 giữa Mỹ, Nga.
Các chuyên gia ước tính 500 tấn uranium nếu bán ra sẽ có giá tương đương với khoảng 10 tỉ thùng dầu thô. Chỉ có một số lượng rất ít uranium lấy từ vũ khí hạt nhân của Mỹ được dùng để sản xuất điện hạt nhân.
Các quan chức Mỹ muốn gia hạn hiệp ước 1993 nhưng phía Nga đã từ chối vì cho rằng Washington mua uranium với giá quá rẻ. Người Nga muốn bán với giá thị trường trong những hợp đồng sắp tới, AFP dẫn lời các nhà ngoại giao ở Liên Hiệp Quốc.
Mỹ đã chi khoảng 8 tỉ USD mua uranium từ Nga, theo AFP.
Phúc Duy
>> Tên lửa Ấn Độ sẽ mang nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc
>> Triều Tiên chưa đủ năng lực trang bị tên lửa đầu đạn hạt nhân
>> Bình Nhưỡng “có thể có đầu đạn hạt nhân”
>> Mỹ thay "đầu đạn" hạt nhân
>> Mỹ thay mới đầu đạn hạt nhân
>> Anh bán nhà máy đầu đạn hạt nhân cho Mỹ
Bình luận (0)