Cái giá của ‘thiếu trung thực’

13/10/2013 03:00 GMT+7

Lãnh đạo Công ty CP phát triển hạ tầng Thăng Long (Infra Thăng Long) cho rằng không “lừa đảo” Ngân hàng Thế giới (WB) mà chỉ “thiếu trung thực” trong đấu thầu các dự án của tổ chức này.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 8.10, WB đã công bố lệnh cấm doanh nghiệp này tham gia các hoạt động do WB tài trợ trong vòng 2 năm 6 tháng, kể từ tháng 10.2013 do có các hành vi lừa đảo, gian lận các dự án phát triển ở Đông Á. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các vi phạm của Infra Thăng Long bị quy kết là “lừa đảo” có liên quan đến 3 dự án, gồm dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - phần do Quỹ tín thác tài trợ; dự án giảm nghèo khu vực miền núi phía bắc giai đoạn 2 và dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng.

Trước đó, Infra Thăng Long trúng thầu gói tư vấn dự án giảm nghèo khu vực miền núi phía bắc giai đoạn 2 nhưng bị kiện vì gian lận hồ sơ. Sau khi vào cuộc xác minh, WB phát hiện một cán bộ của Infra Thăng Long gian lận trong hồ sơ lý lịch (CV). Cụ thể, ông T.C.A, cán bộ dự án của Infra Thăng Long khai mình từng có kinh nghiệm là “trưởng nhóm khảo sát hiện trường” nhưng thực chất ông này chỉ là “trợ lý kiêm phiên dịch”. Từ vi phạm này, Infra Thăng Long bị WB hủy kết quả trúng thầu.

Không dừng lại ở đó, WB tiếp tục lật lại các hợp đồng đã thực hiện với Infra Thăng Long và phát hiện thêm hai vi phạm khác, cũng liên quan đến ông A. Tại dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng, hồ sơ của Infra Thăng Long khai ông A. bắt đầu làm việc tại công ty này từ năm 2007 nhưng WB xác định năm 2009 mới có hợp đồng lao động giữa ông này với Infra Thăng Long. Tại dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL, ông A. khai mình đã từng tham gia thực hiện một dự án phát triển nông thôn ở Hải Phòng, nhưng qua kiểm tra WB phát hiện đây là “dự án ma”.

Ông Nguyễn Quang Huân, Tổng giám đốc Infra Thăng Long, thừa nhận công ty này đã vi phạm cam kết với WB, nộp những văn bản không đúng sự thật trong quá trình đấu thầu tại 3 dự án nói trên. Trước khi đưa ra quyết định “cấm cửa”, cả hai bên đã có sự trao đổi hơn 1 năm. Về các hành vi vi phạm của Infra Thăng Long, ông Huân giải thích do tin tưởng vào nhân viên, không kiểm tra kỹ hồ sơ lý lịch. Hiện ông A. cũng đã nghỉ việc. “Dù nguyên nhân gì đi nữa thì công ty cũng đã vi phạm”, ông Huân thẳng thắn.

Trên thực tế, Infra Thăng Long đã có nhiều năm là đối tác của WB với hàng chục dự án có giá trị hàng chục triệu USD đã thực hiện, việc bị “cấm cửa” đương nhiên ảnh hưởng rất lớn. Đó không chỉ là thiệt hại về kinh tế mà còn là hình ảnh của doanh nghiệp đối với WB và các đối tác khác. “Trong những vi phạm của mình chúng tôi nhận thấy có những lỗi rất nhỏ, ví dụ việc cán bộ chúng tôi khai là trưởng nhóm dự án hay trợ lý dự án hoàn toàn không tác động gì đối với kết quả đấu thầu. Tuy nhiên, khi đã cam kết luật chơi thì phải chấp nhận, lỗi nhỏ hay to cũng là vi phạm. Đây là bài học lớn không chỉ đối với chúng tôi mà cả cho những doanh nghiệp khác”, ông Huân nhìn nhận.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.