'Dạ tiệc' 46 triệu năm trong bụng muỗi

16/10/2013 03:00 GMT+7

Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch muỗi được lưu giữ ở điều kiện cực tốt, giúp bảo toàn bữa ăn cuối cùng của nó trong phần bụng no máu.


Hóa thạch muỗi đầu tiên có phần bụng no máu - Ảnh: PNAS 

Một hóa thạch muỗi cực hiếm chứa máu động vật thời cổ đại đã được khai quật trong dầu đá phiến ở miền tây bắc Montana (Mỹ). Hóa thạch 46 triệu năm tuổi vẫn còn nguyên cái bụng đen, phồng to, giống như tình trạng no nê khi đã hút đủ lượng máu cần thiết ở muỗi thời nay. Theo trang tin khoa học Western Digs, đây là hóa thạch muỗi cổ đại đầu tiên chứa máu từng được phát hiện. “Xác suất một côn trùng nhỏ bé như vậy được lưu trữ trong dầu đá phiến thật sự rất thấp”, theo Dale Greenwalt, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên quốc gia Smithsonian của Viện Smithsonian ở Washington D.C.

Nhà cổ sinh vật học Greenwalt đã áp dụng công nghệ hiện đại gọi là “phép đo phổ khối không hủy hoại” để soi vào bụng muỗi, cho phép phát hiện thành phần thức ăn trong hóa thạch. Kết quả cho thấy loài côn trùng này ở thời nào cũng phải hút máu để tồn tại, và thậm chí còn đánh chén thường xuyên trên các bộ da dày của khủng long. Con muỗi trên đã chết sau bữa ăn cuối cùng vào thế Thủy Tân, khi rặng núi hùng vĩ ở Montana vừa mới định hình hoàn chỉnh, và cơ thể nó đã mắc kẹt trong dầu đá phiến từ đó đến nay. Hiện có khoảng 14.000 loài côn trùng, bao gồm bọ chét, ve và muỗi hiện đại sống nhờ máu động vật. Dù chiến thuật sinh tồn này phát triển độc lập ở nhiều loài động vật khác nhau, chứng cứ hóa thạch về hành vi hút máu đặc biệt rất hiếm. Do vậy nhờ vào hóa thạch muỗi, các chuyên gia đã thiết lập mốc mới trong lịch sử cây phả hệ của đại gia đình muỗi mòng.

Tiến sĩ Ralph Harbach của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, cũng tham gia cuộc nghiên cứu, cho biết sau khi phát hiện hàm lượng sắt cao trong bụng của muỗi hóa thạch, họ xác định được đây là haem, tức protein trong máu chịu trách nhiệm vận chuyển oxygen. Dù các phân tử lớn và dễ vỡ như ADN không sống sót nổi trong quá trình hóa đá, con muỗi đã chứng tỏ rằng các phân tử hữu cơ phức tạp như haem vẫn có thể được bảo tồn. Hóa thạch trên là một trong hai con muỗi được tìm thấy trong dầu đá phiến, và chúng thuộc hai loài côn trùng chưa từng được biết đến trước đây. Hóa thạch muỗi cái, tên Culiseta lemniscata, chính là con muỗi kịp đánh chén bữa cuối cùng trước khi hóa đá. Còn hóa thạch muỗi đực được đặt tên Culiseta kishenehn. Hai hóa thạch này được bảo tồn trong điều kiện rất tốt, cho phép lưu giữ những chi tiết như vân cánh, bộ phận sinh dục, cũng như các cấu trúc mỏng manh như lông trên cánh.

Điều đáng tiếc là không như loạt phim về Công viên Kỷ Jura cách đây khoảng 20 năm, không thể nào biết được con muỗi cái ở trên đã hút máu loài nào trước khi chết. Và như đã đề cập, ADN không được bảo tồn tốt như mong đợi. Các phân tử ADN không tồn tại hơn 6,8 triệu năm, và công nghệ hiện nay không thể nào chiết xuất ADN từ hóa thạch có niên đại lớn hơn mốc thời gian đó.

Đây cũng là lần thứ 5 các nhà khoa học tìm được hóa thạch động vật có chứa máu, nhưng các mẫu vật trước thường được phát hiện trong hổ phách, theo trang tin Western Digs.

Phi Yến

>> Tổng thống Iran ví phương Tây như "con muỗi
>> Nuôi muỗi trị bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.