Ở Hà Nội bây giờ, không chỉ cà phê Lâm “kèm” tranh với cà phê, mà mỹ thuật đã “đào tẩu” khỏi các nhà trưng bày triển lãm để đến với các quán xá, khu đô thị.
|
Nhạc sĩ Phạm Quang Trần Minh lắc lắc đầu, dập dập chân theo nhịp nhạc ngẫu hứng của tác phẩm “Sống sót- Survival”. Royal City vốn nhộp nhịp mua sắm trong tiếng nhạc êm dịu như giật mình với những âm thanh điện tử tân kỳ, khó đoán trước. “Với phương tiện nghệ thuật, tôi đã tạo nên những âm thanh điện tử. Tôi gửi thông điệp con người phải tự tin vào chính bản thân mình, đừng chờ đợi bất kỳ trợ giúp nào từ bên ngoài”, nhạc sĩ nói.
“Sống sót” chỉ là một trong số 64 tác phẩm được trưng bày tại Royal City, trong không gian nghệ thuật Davines- một quỹ văn hóa sẽ bảo trợ nghệ thuật đương đại ít nhất mỗi năm một lần triển lãm. Họa sĩ Lê Thiết Cương chính là người được “chọn mặt gửi vàng” để chọn tác phẩm. “Nghệ thuật không thể chỉ ở mãi trong các nhà trưng bày. Nghệ thuật muốn sống sót phải tự đến với công chúng, ở nơi đông đúc”, ông nói.
Từ nhiều năm nay, triển lãm ở các phòng triển lãm “nhà nước” luôn bị các họa sĩ kêu ca không đủ điều kiện ánh sáng, diện tích tốt để tôn vinh tác phẩm. Tuy nhiên, điều lớn hơn khiến nghệ thuật “băng ra” những khu nhà khác, những quán cà phê thanh lịch là do chính thẩm mỹ của công chúng. Họ cần những không gian để có thể “nhấm nháp” văn hóa cùng âm nhạc và đồ uống chậm rãi. Điều đó, nhiều quán cà phê hiện đại đã bỏ quên.
Tại Manzi 14 Phan Huy Ích, Hà Nội - ngôi nhà cũ của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, không gian thời Pháp thuộc vẫn còn, chủ quán treo thêm rất nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Bà Ngọc Trâm, người từng giữ cương vị phụ trách nghệ thuật tại Hội đồng Anh Hà Nội, đã mở quán này. Quán cà phê - cũng là không gian nghệ thuật này - có những bức tranh của hiếm. Một trong đó là tác phẩm của họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang, được Bảo tàng mỹ thuật Singapore đánh tiếng hỏi mua nhưng nghệ sĩ không muốn bán.
Manzi cũng như trưng bày Davines là những không gian nghệ thuật cho quần chúng, đến với quần chúng bằng cách tự rời bỏ “tháp ngà” phòng triển lãm. Bù lại, với địa thế tốt, tinh thần chăm sóc tác phẩm hết mình, các nghệ sĩ đương đại đang dần dần muốn gửi tranh vào những không gian như vậy, vốn nằm đâu đó giữa một gallery tranh, một phòng triển lãm, một quán cà phê. Kiểu không gian kết hợp này trước giờ cà phê Lâm vốn thống trị.
Ông Lâm, chủ quán từng là bằng hữu của Bùi Xuân Phái, Võ Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…, đã lưu lại trong không gian của mình nhiều bức họa có giá trị. Sau gần nửa thế kỷ, những tác phẩm vẫn nằm êm đềm trong không gian cổ hầu như không thay đổi với cà phê thơm. Đằng sau quán cà phê nổi tiếng này, còn cả câu chuyện về bảo trợ nghệ thuật. Bằng cách của mình, ông Lâm đã luân chuyển dòng tranh - tiền - tranh, ứng tiền cho nghệ sĩ khi khó khăn, và những bức họa tặng lại tuy không phải bán - mua nhưng đã giúp nghệ sĩ sống và giữ nghề. Manzi và không gian Davines cũng vậy, họ đã giúp nghệ sĩ chuyển giao tác phẩm trong một không gian thư giãn, cả bằng cà phê và mua sắm.
“Tôi chưa từng đến bảo tàng mỹ thuật, vì thế, khi đến đây xem tranh, tôi thấy dễ gần”, bà Thanh Hà, một khách dạo chơi ở Royal City nói. Sự dễ gần này với Manzi còn được thể hiện bằng những bức tranh in độc bản đánh số, để khách có thể dễ dàng sở hữu với mức giá rẻ hơn cả chục lần so với bản điêu khắc, với cùng một tác giả.
Ra chợ, vào quán, không gian nghệ thuật Hà Nội đang đa dạng hơn. Nhưng về bản chất, đó cũng chính là những hậu duệ của cà phê Lâm, người đã sớm bảo trợ nghệ thuật đương đại.
Trinh Nguyễn
>> Chủ quán cà phê làm việc thiện
>> Cà phê làm đẹp tóc
>> Cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
>> Đưa mỹ thuật Việt đến Na Uy
>> Triển lãm mỹ thuật của những tác giả ĐBSCL
>> Điểm chuẩn ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Phạm Văn Đồng
>> Người Việt tài trí: Người đứng riêng trong mỹ thuật Việt
>> Công bằng cho mỹ thuật Việt
>> Phải bố trí tác phẩm mỹ thuật trong công trình công cộng?
>> ĐH Mỹ thuật TP.HCM thi tuyển năng khiếu sau kỳ thi đại học đợt 2
Bình luận (0)