|
Sau khi đóng cửa chính phủ suốt 16 ngày và đẩy nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ, lưỡng đảng tại Đồi Capitol cuối cùng đã thông qua thỏa thuận cho phép khôi phục hoạt động các cơ quan liên bang đến ngày 15.1.2014 và kéo dài thời gian vay nợ của Bộ Tài chính đến ngày 7.2 năm sau. Theo AFP, thỏa thuận đạt được sau nhiều giờ đàm phán giữa lãnh đạo đa số tại Thượng viện Harry M.Reid (Dân chủ) với lãnh đạo thiểu số Mitch McConnell (Cộng hòa). Dự luật nhanh chóng được Thượng viện thông qua với kết quả 81 phiếu thuận/18 phiếu chống, nhờ sự ủng hộ của hơn phân nửa số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Vài giờ sau đó, Hạ viện cũng gấp rút nối gót với tỷ lệ phiếu 285/144. Ngay sau nửa đêm, tức sớm ngày 17.10, Tổng thống Barack Obama đã ký thành luật, cho phép hơn 800.000 nhân viên chính phủ trở lại làm việc, đồng thời mở cửa các công viên và đài kỷ niệm trên toàn quốc, theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Nhà Trắng.
Thỏa thuận đánh dấu chiến thắng của đảng Dân chủ và ông Obama, người tạm thời chặn đứng nỗ lực tấn công của Cộng hòa nhằm vào luật cải tổ hệ thống y tế Obamacare do ông khởi xướng. Chủ tịch Hạ viện John Boehner của đảng Cộng hòa buồn bã tuyên bố: “Chúng tôi đã đấu rất giỏi, nhưng chỉ không thắng được mà thôi”, theo Reuters. Thỏa thuận mới cũng bao gồm một thay đổi nhỏ trong luật Obamacare theo yêu cầu của đảng Cộng hòa, cụ thể là áp dụng các tiến trình mới nhằm xác minh thu nhập của một số cá nhân nhận trợ cấp bảo hiểm y tế của chính phủ.
Tuy giành thắng lợi, Tổng thống Mỹ phải trả một giá đắt: ông đã phá sập mọi cầu nối trong nội bộ đảng Cộng hòa ở lưỡng viện, vốn cần thiết để thông qua những phần khác trong nghị trình của nhiệm kỳ 2. “Ông ta cố tình phá hoại đảng Cộng hòa”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Hạ nghị sĩ Raul Labrador của đảng này. “Tôi cho rằng giới lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện họa chăng bị điên mới điều đình với ông ta về vấn đề di trú”, ông nhấn mạnh.
Nếu không có thỏa thuận bước ngoặt trên, Bộ Tài chính Mỹ bị đẩy vào tình trạng mất khả năng vay khẩn cấp từ ngày 17.10 và trong tay chỉ còn khoảng 30 tỉ USD để chi trả toàn bộ hoạt động của liên bang. Tuy nhiên, theo dự đoán, trong vài tháng nữa, Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục lao vào một cuộc chiến như mới đây, cả về ngân sách chính phủ lẫn mức trần nợ công. “Chúng tôi cho rằng mọi thứ sẽ quay lại như cũ vào tháng 1 năm sau”, CNN dẫn lời ông John Chambers, Giám đốc điều hành Standard & Poor.
Dù vậy, Phố Wall đã thở phào nhẹ nhõm trước diễn biến lạc quan tại Đồi Capitol. Giá cổ phiếu Mỹ lập tức tăng, với chỉ số Dow Jones nhảy hơn 200 điểm trong ngày 16.10, trong khi các thị trường châu Á khởi sắc với các chỉ số chủ chốt như Nikkei tăng 1,2%, Hang Seng 0,3%, Shanghai Composite 0,6%, Kospi 0,2%... Được biết, kể từ năm 2001, mức trần nợ công của Mỹ đã được tăng 13 lần.
Cuộc chiến hơn 700 tỉ USD Tờ The Washington Post dẫn báo cáo của hãng Macroeconomic Advisers ước tính cuộc chiến tại Quốc hội đã khiến nền kinh tế Mỹ thất thoát gần 3% GDP kể từ năm 2010. Điều này có nghĩa là 700 tỉ USD mất trắng do hoạt động kinh tế đình trệ, và hơn 2 triệu người mất việc. Con số này chưa bao gồm cái giá phải trả do chính phủ ngưng hoạt động trong 16 ngày, mà theo ước tính của hãng Standard & Poor là khoảng 24 tỉ USD. |
Thụy Miên
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa làm đóng băng các số liệu thống kê kinh tế
>> Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 1995 đã 'giúp' Bill Clinton ngoại tình?
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa, quân đội sẽ bị đồng minh nghi ngờ uy tín
>> Vụ chính phủ Mỹ đóng cửa: Hạ viện đổ lỗi cho Thượng viện
Bình luận (0)