|
Đầu tiên có thể kể đến Trung tâm nghiên cứu triển khai - khu công nghệ cao (CNC) đã chế tạo thành công vật liệu Nano Curcumin (hoạt chất chính của cây nghệ vàng) ở dạng hòa tan trong dung dịch nước (nồng độ 8% khối lượng), nhằm hướng đến ứng dụng trong thực phẩm chức năng, mỹ phẩm cao cấp. Trung tâm này cũng đã hợp tác với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TP.HCM chế tạo thành công chíp cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS, với ứng dụng rất đa dạng trong công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, bộ Kit ELISA có khả năng phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh enrofloxacin - nằm trong danh mục cấm nhưng vẫn được sử dụng khá phổ biến trong nuôi trồng thủy sản - cũng đang được trung tâm phối hợp với một công ty kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong nước để thương mại hóa sản phẩm. Ngoài ra, lô hàng sản phẩm bán dẫn đầu tiên sản xuất trong nước đã xuất khẩu thành công sang Hồng Kông vào tháng 9 vừa qua. Đó là sản phẩm chip FRED của Công ty TNHH quang lượng tử Việt - Mỹ (UPV) sản xuất với sự hỗ trợ về thiết bị và nhân lực của Trung tâm nghiên cứu triển khai khu CNC.
Trung tâm nghiên cứu triển khai - khu CNC cũng đã hợp tác với Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, Công ty TNHH quang lượng tử Việt - Mỹ (UVP) và một số giáo sư về bán dẫn của Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc), Đại học Ritsumeikan (Nhật bản) triển khai dự án hoàn thiện và chế tạo chip UV - LED - dự án đã được tham gia kế hoạch ươm tạo của chương trình "Nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao” của Bộ KH-CN năm 2013, với thời gian thực hiện là 2 năm.
Đặc biệt là sản phẩm robot của Công ty TNHH robot Việt Nam phục vụ đào tạo, vui chơi, xếp hàng pallet, công nghiệp nặng, dịch vụ và y tế. Đây là dự án ươm tạo đầu tiên của khu CNC nhận được giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (tháng 8.2013) và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục tham gia nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNC của Bộ KH-CN năm 2013, với khoản kinh phí được hỗ trợ là 3,5 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Công ty Nanogen đã công bố sáng chế mới là thuốc đặc trị ung thư gan với nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại thuốc đang được sử dụng hiện nay: hiệu quả cao hơn, thời gian điều trị ngắn hơn, ít tác dụng phụ và giá thành rẻ hơn. Sáng chế này đã được cấp bằng độc quyền tại Mỹ và hiện đang trong quá trình thương thảo nhượng quyền với các công ty đa quốc gia.
Một dự án trong nước tiên phong đầu tư vào công nghệ mới nhất thế giới sản xuất tại Việt Nam là dự án sản xuất bóng nong mạch vành và stent phủ thuốc công nghệ Nano/không phủ thuốc của Công ty CP United Healthcare, vốn đầu tư 9,81 triệu USD (khoảng 200 tỉ đồng). Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt danh mục dự án tham gia chương trình kích cầu năm 2013, với số vốn được hỗ trợ lãi vay là 93,145 tỉ đồng và được hỗ trợ phần vốn đầu tư cho chuyển giao công nghệ là 41 tỉ đồng từ chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Bộ KH-CN năm 2013.
Mai Vọng
>> Mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
>> Hợp tác thực hiện quy hoạch, đầu tư tại Khu công nghệ cao
>> Đẩy nhanh thi công Khu công nghệ cao Đà Nẵng
>> Doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư công nghệ cao ở TP.HCM
>> Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao
>> Nông dân công nghệ cao - Kỳ 14: Xuất khẩu máy làm củi trấu
Bình luận (0)