Y đức trong ngành y tế gây bức xúc dư luận

21/10/2013 14:19 GMT+7

(TNO) Đó là một trong những hạn chế mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 tại phiên khai mạc kỳ họp QH ngày 21.10.

(TNO) Đó là một trong những hạn chế mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 tại phiên khai mạc kỳ họp QH ngày 21.10.

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
>> Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13

Trình Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: “Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là 'tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012' và 'bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội'; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch”.

Nhiều dẫn chứng cụ thể đã được dẫn ra trong báo cáo để minh chứng cho nhận định trên của cơ quan thẩm tra, ở các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đồng thời chỉ ra những tồn tại như: kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường vẫn còn tiềm ẩn; nền kinh tế đứng trước thách thức giữa một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực, mặt khác những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội.

Quản lý thị trường vàng, nhất là hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng đã mang lại hiệu quả nhất định, bước đầu đã bình ổn thị trường vàng trong nước, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới.

Nợ xấu, nợ đọng trong nền kinh tế bao gồm nợ xây dựng cơ bản của nhà nước với doanh nghiệp, nợ thuế của doanh nghiệp với Nhà nước, nợ xấu của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại, nợ đọng giữa các doanh nghiệp với nhau... vẫn chưa được xác định cụ thể và theo nhận định là ở mức cao, cần thêm thời gian và nguồn lực để xử lý.
 
Tồn tại khác được dẫn ra là vấn đề y đức trong ngành y tế, như việc tử vong trong tiêm chủng cho trẻ em, việc lập xét nghiệm khống kết quả xét nghiệm huyết học cho người bệnh và quá tải bệnh viện tuyến trung ương, gây băn khoăn và bức xúc người dân, dư luận xã hội.

Đặc biệt, tội phạm về tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn ít được phát hiện và khi xử lý còn để kéo dài; nhiều vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội kéo dài có dấu hiệu bao che, làm ngơ của cơ quan chức năng sở tại.

Vấn đề đáng lưu ý khác cơ quan thẩm tra cảnh báo là bội chi ngân sách từ 4,8% năm 2012, dự kiến tăng lên 5,3% trong năm 2013 trong bối cảnh dự báo hụt thu cân đối ngân sách 59.430 tỉ đồng và 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn, nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết của QH.

Năm 2014: Áp lực lạm phát cao hơn khi “nới” bội chi

Trong báo cáo trình trước QH, Thủ tướng nhấn mạnh trong hai năm 2014-2015, mục tiêu tổng quát vẫn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng…; riêng năm 2014 phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Về mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Giàu cho hay trên cơ sở nhận định những hạn chế, khó khăn của 3 năm 2011-2013, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2013; lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là khi tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tăng tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.
 
Mặc dù vậy, theo ông Giàu, hầu hết thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH, các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng còn ý kiến khác nhau về mục tiêu tổng quát cũng như một số chỉ tiêu chủ yếu.

Nêu cụ thể hơn về các chỉ tiêu của năm 2014 trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số CPI khoảng 6%; một số ý kiến khác nhất trí với Tờ trình của Chính phủ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%; tốc độ tăng chỉ số CPI khoảng 7%.

Đa số ý kiến cơ quan thẩm tra cũng tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, nhưng nhấn mạnh “phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP như Tờ trình, mà đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu như Thủ tướng đã báo cáo, Ủy ban Kinh tế lưu ý 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2014, trước hết là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời phải điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp khác đáng chú ý khác là xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước hoạt động minh bạch, công khai, việc tăng vốn đầu tư doanh nghiệp chủ yếu qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra công chúng...; đồng thời, rà soát, quản lý chặt chẽ quỹ lương của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích, bảo đảm tính hợp lý, công bằng và phù hợp với các quy định nhà nước.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.