|
Giữa bối cảnh khá ảm đạm của ngành hàng không thế giới, nhiều hãng đã tìm cách cải thiện tình hình bằng cách tăng thêm 1 chỗ ngồi ở mỗi hàng ghế thuộc hạng phổ thông nhằm tăng doanh thu. Theo tờ The Wall Street Journal, đây là phương thức mà một số hãng bay lớn như AMR, American Airlines, Air Canada, Air France - KLM và cả Emirates Airline đang chọn lựa. Thậm chí, “chiêu trò” này không chỉ giới hạn trên các tuyến bay ngắn mà đã được áp dụng cho những tuyến bay dài.
Suốt gần 20 năm, hầu hết những hàng ghế phổ thông trên dòng Boeing 777 thường có 9 chỗ ngồi cho mỗi hàng. Thế nhưng, trong năm ngoái, gần 70% số Boeing 777 được bàn giao có đến 10 chỗ ngồi cho mỗi hàng ghế phổ thông. Điều đó đồng nghĩa với việc bề rộng của mỗi chỗ ngồi hạng phổ thông bị thu hẹp lại, lối đi lại cũng chật hơn và cả khoang để đồ xách tay cũng bị o ép. Đối với những dòng máy bay “khổng lồ”, sự thu hẹp còn tàm tạm nhưng với các dòng cỡ nhỏ hơn thì mức độ chật hẹp càng khó chấp nhận. Điển hình, gần 10 hãng hàng không đã đặt hàng dòng máy bay Airbus A330 vốn chỉ có 8 chỗ ngồi cho mỗi hàng ghế hạng phổ thông nhưng lại nâng lên thàng 9 ghế. Vì thế, bề rộng của mỗi chỗ ngồi chỉ còn 16,7 inch (tương đương 42,4 cm). Con số quá khiêm tốn so với bề rộng 19 inch của ghế ở các sân vận động và thua xa mức 25 inch trong những rạp phim hiện đại. Đối với các dòng Boeing 777 hay 787 Dreamliner thì việc tăng ghế như trên khiến bề rộng chỗ ngồi chỉ còn 17 inch, Airbus A350 thì đỡ hơn một chút khi đạt 18 inch. Điều này đi ngược xu hướng mở rộng chỗ ngồi mà các hãng hàng không từng chạy đua để thu hút khách hàng. Hồi thập niên 1970 và 1988, ghế ngồi tiêu chuẩn trên các tuyến bay đường dài của dòng Boeing 747 từng rộng 18 inch. Sau đó, chỗ ngồi hạng phổ thông của Boeing 777 và Airbus A380 đạt mức 18,5 inch.
Thế nhưng, hiện tại hành khách đang đối mặt tình trạng “chèn ép” trên, và họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận ngồi gò bó hoặc chi tiền nhiều hơn cho các hạng ghế cao cấp hơn.
Hoàng Đình
>> Thêm hãng hàng không Nga mở đường bay thẳng đến Cam Ranh
>> Hai hãng hàng không cùng mở bán hàng ngàn vé giá rẻ
>> Mời gọi các hãng hàng không mở đường bay đến 5 sân bay quốc tế
>> Chủ tháp đôi WTC đòi hãng hàng không bồi thường
>> AirAsia nhận giải Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới
>> VietJetAir liên doanh với hãng hàng không Thái Lan
>> Hãng hàng không Pháp vì khách hàng người Việt Nam
>> Hãng hàng không của Kazakhstan đến TP.HCM
Bình luận (0)