|
Trên khu vườn 800m2 của gia đình, năm 2003, khi xây nhà, ông xây một thư viện rộng 40m2, mang tên Tâm Thành để phục vụ người dân đến đọc miễn phí.
Thủ thư của thư viện, ông Đoàn Hữu Thi, 69 tuổi, cho biết: ở đây có hơn 7.000 cuốn sách, gồm sách kinh tế, chính trị, pháp luật, văn học, thiếu nhi. Thư viện mở cửa cả sáng lẫn chiều hàng ngày, chỉ nghỉ thứ tư và chủ nhật để làm nghiệp vụ.
Ngày khai trương, ông Đoàn Duy Thành mang từ Hà Nội về 5.000 cuốn sách, sau đó sách nhiều lên vì bạn bè tặng, các cơ quan mang đến biếu. “Đang mùa gặt nên mới vắng, chứ ngày thường thì luôn có 5-7 người. Trẻ con đến đọc truyện tranh, thanh niên đọc sách kinh tế, còn các ông bà già đọc về sức khoẻ hoặc chính trị, hồi ký”, ông Thi nói.
“Làm thế nào để quản lý sách?”, chúng tôi hỏi. Ông Thi mở ngăn kéo, lấy ra một hộp nhựa đựng đầy tiền lẻ và một bọc nilon toàn giấy tờ: “Đây là tiền đặt cọc, ai mượn quyển nào thì để lại số tiền bằng giá bìa, hoặc là để lại chứng minh thư”. Trong tập giấy tờ, có chị Nguyễn Thị Hương sinh năm 1986 ở xã Cổ Dũng cùng H.Kim Thành. Một cô bé tên Hương trong thôn thì mang chứng minh thư của mẹ là Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1967 đến “cắm” để mượn sách.
Trong cuốn sổ 320 trang dùng từ năm 2012 đã được viết gần hết, có tên nhiều người vừa đặt tiền, mượn sách: ông Đoàn Hữu Ca, mượn 3 cuốn: Nói chuyện sức khoẻ; Bà Đốc Huệ; Trưởng thành theo cách mạng. “Ông này bị “giam” 50.000 đồng, làm mất cuốn nào, tôi bắt bồi thường cuốn ấy”, ông Thi nói. Còn cháu Đoàn Thị Oanh, 14 tuổi chỉ mượn 2 cuốn là Tranh chức trưởng thôn, giá 7.000 đồng; Cô bé hạt tiêu, giá 3.500 đồng cũng phải để lại 12.000 đồng. “Điện, nước thì ông Thành đã lo rồi. Tiền này mình giữ là để người ta nhớ mà trả sách cho người khác cùng đọc, chứ thư viện không lấy của ai xu nào”, ông Thi cho biết.
Quản lý sách là việc khó nhất vì có cháu bé thấy tranh ảnh hay thì xé vài trang, thậm chí lấy cả quyển, giấu vào áo mang về. “Ông thủ thư trước tên là Biêm nếu phát hiện ra thì xử nặng lắm, bắt quỳ, rồi gọi người nhà đến mới tha, nhưng tôi thì nhẹ nhàng thôi, các cháu thích sách, đọc sách là quý rồi”, ông Thi cho biết và kể thêm: những cháu chăm đến đọc thường học giỏi, đa số đỗ đại học.
Gặp chúng tôi trong kho sách, ông Đoàn Duy Thành cho biết, ông mở thư viện vì vốn là người thích đọc, trong khi thôn Tường Vu vốn nghèo, trước năm 1945 thì cả làng chỉ có 2 cuốn sách quốc ngữ, một trong đó là cuốn Truyện Kiều. “Tôi khuyến khích con cháu và người làng đọc sách, nhưng thường nhắc ông Thi phải nói với họ rằng sách là những ông thầy câm, đọc sách và tin cả mà không có phân tích thì hỏng”, ông Thành nói. Ông cũng cho biết đang phấn đấu nâng số sách trong kho lên thành 10.000 cuốn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Diến, Chủ tịch UBND xã Cộng Hoà xác nhận: thư viện Tâm Thành là một điểm sáng văn hoá của địa phương, đã được Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh, Hải Dương, H.Kim Thành khen thưởng, nhiều người cao tuổi từ các xã lân cận như Lai Vu, Cổ Dũng, Tuấn Hưng còn đến đây để đọc. Ông Diến cũng cho biết các thôn trong xã đều có tủ sách trong nhà văn hoá, “nhưng sách không nhiều, không hay bằng ở đây”.
Lưu Quang Phổ
>> Ra mắt ba cuốn sách đầu tiên về học giả Nguyễn Văn Vĩnh
>> Trung Quốc vạch đối sách mới với láng giềng
>> Năng lượng sạch cho vùng sâu
>> Thư viện làng thắp sáng ước mơ
>> Thư viện làng
Bình luận (0)