Chuyện tình của dòng sông chảy ngược
|
Theo truyền thuyết người Kon Tum kể lại, thuở xưa dòng sông Đăk Bla còn chảy xuôi hướng tây - đông chứ không chảy nghịch dòng đông - tây như bây giờ. Thế nhưng có một tình yêu thủy chung nhưng đầy nước mắt đã làm cho dòng sông này biến đổi dòng chảy.
Tuyệt vọng, chàng trai hẹn cô gái vào đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình đâm dao tự sát nhào xuống sông để cùng trôi về nơi không có hận thù. Dòng máu của chàng trai tuôn ra, trôi xuôi về đông tìm người yêu. Lạ lùng thay, dòng máu cô gái lại ngược dòng chảy, lặng lẽ tìm đến dòng máu chàng trai đang trôi xuống. Khi hai dòng máu gặp nhau, theo tập quán mẫu hệ, máu chàng trai nhập hòa vào máu cô gái và nó lại trôi ngược lại theo hướng dòng máu cô gái đang trôi, cuốn luôn cả dòng sông trở dòng trôi về hướng ấy.
Sáng hôm sau, làng ở đầu sông và làng ở cuối sông vô cùng ngạc nhiên khi thấy con sông thân thuộc bao đời nay bỗng có dòng nước màu đỏ, lại chảy ngược về tây. Khi biết ra sự thật, hai làng thức tỉnh, gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành. Sông từ ấy cứ chảy ngược về tây, không đổi dòng được nữa. Còn dòng chảy trên sông luôn có màu phù sa đỏ quanh năm như bây giờ.
Thực ra, dòng Đăk Bla dài 139 km, bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cũng chảy theo hướng sông ngòi Việt Nam. Thế nhưng khi đến huyện Kon Rẫy, dòng chảy bất thần bẻ ngược theo hướng bắc - nam và đến TP.Kon Tum, dòng chảy Đăk Bla lại thêm lần nữa bẻ dòng theo hướng đông - tây. Có ý kiến cho rằng, dòng sông này vốn hung bạo và chảy ngược, nhưng rồi sẽ hết đi bởi một khi các công trình thủy điện trên sông hoàn tất, khi đó con đập ngăn dòng chia nước về sông Trà sẽ khiến sông Đăk Bla trở thành sông chết như “người anh em” của nó là sông Ba ở Gia Lai. Có lẽ, khi trở thành dòng sông chết, Đăk Bla lại thêm một huyền thoại của đời sau...
Cổ tích cây đôi
Trên bờ Đăk Bla thơ mộng có cây si và tơ đáp cộng sinh, ôm cuốn vào nhau như đôi người tình tự. Vì sao cây có hình dáng kiểu này, người Kon Tum cho hay cũng liên quan đến một chuyện tình sắt son nhưng trắc trở. Chuyện kể rằng, thuở chiến tranh bộ tộc, bên kia và bên này sông có hai làng thù nhau dai dẳng. Bất chấp mối thù làng, có đôi trai gái cứ yêu nhau tự nhiên như cây rừng nước suối. Khi biết chuyện, hai làng ngăn cấm.
Một đêm trăng cuối năm, vào mùa ning nơng, chàng trai lẳng lặng rời bỏ hội làng bơi xuồng độc mộc sang bờ gặp người yêu nơi điểm hẹn. Cô gái cũng lặng lẽ rời vòng xoang ra bên bờ đón đợi. Trong cái lạnh rét căm căm của núi rừng, hai người ôm ghì lấy nhau để truyền hơi ấm và cùng nhau than thở duyên tình. Đến khi nghe tiếng gà eo óc gáy, vì sợ người làng thấy, hai người liền biến thành đôi cây quấn sít vào nhau. Chàng thành cây si xòe tán lá xanh mơn, nàng thành cây tơ đáp vươn ngọn lên cao nở những chùm hoa đỏ thắm soi ửng ánh hồng xuống tán lá xanh.
Ngày sống không trọn đời nhưng chết xuống, hai người biến thành hai cây cổ thụ ôm nhau mãi mãi không rời ra. Từ đó về sau, cứ đến mùa tháng 3, cây đôi một gốc hai ngọn này lại tỏa màu hoa đỏ rực, tô thắm góc phố phường bên dòng Đăk Bla, đẹp như chuyện tình đôi trai gái ngày nào. Có không ít hiểu lầm cho rằng màu hoa đỏ là cây pơ lang (hoa gạo), tuy nhiên đây là cây tơ đáp chứ không phải pơ lang.
Cũng gần cây đôi này, trước đây có cây dông to lớn vút trời xanh. Ai đi đâu, về đâu cũng thấy cây đôi và cây dông tỏa mát, thư thái tâm hồn. Ngày trước, dọc theo dãy cây này là nhà làm việc của giới chức Pháp như nhà công sứ, phó công sứ, trại lính, đồn cảnh sát, bưu điện, ngục Kon Tum... Thế nhưng đến bây giờ, mấy cây huyền thoại này không còn nữa. Năm 2012, kỷ niệm 100 năm Kon Tum, chính quyền ở đây đã cắt bỏ mất phần nhô cao của cây tơ đáp, chỉ để lại một bóng si già thấp tè đơn độc buồn thiu như trầm ngâm trong niềm tiếc nhớ. Cây si lẻ bóng cô đơn, ngày càng ủ rũ xác xơ thảm hại và sang năm 2013 thì chết hẳn. Còn cây dông, chính quyền cũng cho chặt đi để mở mang giao thông, làm bùng binh ở cửa ngõ vào TP.Kon Tum. Mọi người tiếc ngẩn ngơ một cảnh quan tự nhiên độc đáo giữa lòng phố xá Kon Tum.
Bây giờ, sông còn đó, tình người còn đây, chỉ có cây đôi là không còn. Mai này cổ tích cây đôi sẽ còn được kể lại cho đời sau, nhưng bóng cây đôi chung thủy theo thời gian trôi mãi mãi vào cổ tích. Và, dòng Đăk Bla với những chuyện tình buồn cũng sẽ không phôi pha, gợi cho hồn du khách nhớ Tây nguyên xanh với những câu chuyện bí ẩn mang chút tơ buồn…
Phạm Anh
>> Khai quật khảo cổ di tích thành Hoàng Đế nhà Tây Sơn
>> Di tích lịch sử thành bãi chăn bò
>> Lam Kinh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt
>> Lam Kinh trở thành di tích quốc gia đặc biệt
>> 20 năm UNESCO công nhận quần thể di tích Huế
Bình luận (0)