Tại dự luật trình QH lần này, Ủy ban TVQH đã bổ sung quy định về trách nhiệm công khai lịch tiếp công dân, thành phần tiếp công dân; bổ sung quy định về trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc thông báo cho người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết về kết quả xử lý, thụ lý bước đầu đối với các khiếu nại, tố cáo nhận được và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, nhiều ĐB vẫn cho rằng cần quy định cụ thể về thời gian cũng như quy trình trả lời sau khi tiếp dân.
ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) nhận định: hạn chế lớn nhất của dự luật là chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết, dẫn tới khiếu nại tồn đọng. ĐB Nguyễn Thị Kim (Đà Nẵng) quan tâm tới thái độ của cán bộ tiếp công dân và đề nghị vấn đề này phải luật hóa. “Tôi thấy quy định địa điểm tiếp công dân phải khang trang, lịch sự… trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì điều đó không cần thiết bằng việc phải quy định thái độ của cán bộ tiếp công dân. Dân chỉ mong người tiếp họ đừng thờ ơ, vô cảm, đừng đọc báo, nhắn tin… khi dân đang trình bày”, ĐB Kim nói.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì đề nghị cần phải quy định cụ thể về trình độ học vấn và hiểu biết của cán bộ tiếp dân. ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng phải luật hóa việc tiếp dân tại địa bàn cư trú đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa, dân không có điều kiện đi lại. Một số ĐB cũng đề cập phải đưa vào luật quy định không phân biệt đối xử khi tiếp dân, tránh thái độ kỳ thị, coi thường với những người dân có hoàn cảnh đặc biệt.
Tuệ Nguyễn
>> Đổi mới toàn diện hoạt động tiếp dân
>> Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp dân 1 ngày mỗi tháng
>> Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp dân
Bình luận (0)