(TNO) Đó là lưu ý của ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM tại buổi giám sát đời sống người dân sau tái định cư giai đoạn 2007-2012 trên địa bàn quận 2 (TP.HCM) vào chiều 30.10.
|
Tái định cư chậm, người dân tự lo chỗ ở
Quận 2 là địa phương có số lượng hộ dân bị di dời, giải tỏa nhiều nhất so với 23 quận, huyện còn lại của TP.HCM trong thời gian qua.
Theo Phó chủ tịch UBND quận 2 Hứa Ngọc Thảo, tính đến nay, UBND quận đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư để thu hồi đất cho 152 dự án, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, trong điểm của thành phố như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại lộ Đông-Tây, mở rộng Xa lộ Hà Nội… Tổng số hồ sơ bồi thường là 27.530 hồ sơ.
Để tái định cư cho người dân, UBND TP.HCM thống nhất chủ trương xây dựng 16 khu tái định cư và hoán đổi nền đất, căn hộ chung cư trong các dự án nhà ở.
Trong đó, có 13 khu tái định cư đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và xã hội (điện, đường, nước, thoát nước, trường học, chợ…), 3 khu tái định cư đang triển khai thi công; dự kiến sẽ có 10.255 căn hộ chung cư và 2.931 nền đất phục vụ tái định cư.
Số lượng căn hộ và nền đất đó gấp 2,3 so với nhu cầu, bởi trong số 27.530 hồ sơ bồi thường, chỉ có khoảng 5.500 trường hợp đăng ký tái định cư, số còn lại nhận tiền đền bù và tự lo chỗ ở mới.
Lý giải về nguyên nhân, ông Hứa Ngọc Thảo thừa nhận công tác chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư chậm, không đồng bộ với tiến độ bồi thường, giải tỏa đề ra hàng năm.
Bên cạnh đó, công tác bố trí tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bồi thường, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện dự án, nhất là việc chuẩn bị đủ quỹ căn hộ, nền đất phục vụ tái định cư; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các thiết chế về văn hóa, y tế tại các khu tái định cư (thời gian đầu) chưa thật sự thu hút người dân lựa chọn phương án tái định cư…
'Đây là một bài toán mà chúng tôi rất là lo'
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người dân bị giải tỏa được quận và thành phố hỗ trợ về vay vốn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Theo đó, có 1.731 hộ vay vốn với số tiền vay hơn 35 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 3.395 lao động, trong đó có 1.277 lao động nữ.
Tuy nhiên, một thực tế khác chưa được kiểm soát và nắm rõ được thông tin, là đời sống những trường hợp đã nhận tiền đền bù rồi tự lo chỗ ở bây giờ ra sao, sướng khổ thế nào...
Bên cạnh đó, hiện tại cũng còn nhiều trường hợp tạm cư do đã bị giải tỏa nhưng không đủ điều kiện được bố trí tái định cư; khả năng tài chính của họ cũng không có đủ tiền để bù chênh lệch mua nhà, đất tái định cư.
|
Địa phương bị “mù” thông tin của rất nhiều trường hợp trong số đó. Hậu quả là việc chi tiền hỗ trợ cho nhiều trường hợp chủ động di dời trước đây chưa thể thực hiện được vì không biết họ đã đi đâu, về đâu.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, trăn trở: “Đây là một bài toán mà chúng tôi rất là lo”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Công Hùng cho rằng, việc giải tỏa, đền bù đừng để người có nhà thành vô gia cư.
Tuy nhiên, ông Hùng đánh giá là tại thời điểm giám sát, nhiều khu tái định cư đã được xây dựng hoàn thành với hạ tầng hoàn chỉnh, căn hộ tái định cư có chất lượng lao.
“Do đó, người dân bị thu hồi đất nên chọn phương án tái định cư tại chỗ, không nên nhận tiền rồi tự lo chỗ ở như trước đây”, ông Hùng khuyến cáo.
Một vấn đề cấp bách và cần thiết Theo ông Hứa Ngọc Thảo, hầu hết các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư thuộc dạng hộ nghèo, khó khăn nên cần phải tạo điều kiện cho người dân có nơi ở ổn định bằng hình thức bán nhà ở xã hội để giúp họ ổn định cuộc sống, chấm dứt cảnh sống tạm bợ. “Đây là vấn đề cấp bách và cần thiết điều chỉnh, bổ sung trong chính sách tái định cư của các dự án để giải quyết dứt điểm nhằm tạo điều kiện cho dân ổn định, tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và vượt cấp”, ông Thảo nhìn nhận. Về đơn giá bồi thường và đơn giá tái định cư, ông Thảo đề nghị cần có sự tương đồng, hạn chế chênh lệch giá bán tái định cư cao hơn giá bồi thường. “Vì nếu chênh lệch thì nhiều người dân sau khi bị giải tỏa rơi vào cảnh mắc nợ tiền mua nhà ở, không có khả năng thanh toán”, ông Thảo cho biết. |
Bài, ảnh: Đình Phú
>> Hà Nội cần giải tỏa 112 chợ tạm, chợ cóc
>> Cử tri bức xúc đền bù, giải tỏa dự án Thủ Thiêm
>> Phải sớm giải tỏa chợ đồ cũ Đà Lạt
>> Giải tỏa... điểm đen
>> Vác dao đi đòi 'đền bù thỏa đáng
>> Nhà máy gây ô nhiễm phải đền bù cho dân
>> Dân vừa nhận tiền đền bù đã bị chủ nợ giật trên tay
Bình luận (0)