Tâm sự của những... con ma

01/11/2013 08:16 GMT+7

(TNTS) Trong những vở kịch kinh dị hiện nay luôn có một 'nhân vật' không thể thiếu, đó là... con ma. Và diễn viên nào đóng vai ma hình như đều có tâm sự rất ư là... ngổn ngang.

Tâm sự của những... con ma 

Ma 'cứu đói'

Nói 'cứu đói' bởi con ma ấy đã giúp nhiều diễn viên có cát- sê mà sống trong những ngày chưa có việc gì làm. Diễn viên Hải Triều nói: “Năm trước tôi mới ra trường, lơ ngơ tìm đất diễn, thì Nhà hát Thế Giới Trẻ kêu tôi vô đóng vai con ma trong vở Lầu hoang. Đóng ma đâu cần tên tuổi, tôi mừng quá, từ đó có cát sê đều đều”. Diệu Nhi, Bảo Tâm mới ra trường mấy tháng nay, cũng về Thế Giới Trẻ đóng con ma trong Xác trôi sông. Minh Phương thì về sân khấu Super Bowl đóng vai Bé Tư trong vở 2-4-6, diễn một đoạn thì “chết”, làm ma thôi.

Nhưng có khi con ma lại trở thành “cây đinh” của vở. Như Hải Triều, cao quá xá nên đạo diễn phải cho đóng cái quan tài dài 2 mét để anh chàng nằm vô. Cái quan tài này 4 mảnh ghép hờ lại bằng tấm hít, khi Hải Triều ngồi bật dậy thì 4 mảnh bung ra để khán giả hết hồn. Khổ nỗi, đóng đúng size đó rồi nên khi Hải Triều bận việc gì đó thì không ai thay vai giùm được. Bởi ai thấp hơn Triều thì khi ngồi dậy đầu không đụng tới nóc hòm, ván không bật ra. Cho nên, Triều vừa là diễn viên “độc quyền” không bao giờ mất cát sê, nhưng đồng thời cũng chẳng chạy sô ở đâu được mỗi khi nhà hát xếp lịch.

Ma có... sợ ma?

Hầu như vở kịch nào cũng sử dụng mấy con ma nữ, để có tóc dài xõa xõa mới ghê. Vì vậy diễn viên nữ luôn được ưu tiên phân vai. Nhưng khổ nỗi, mấy cô nữ lại là chúa sợ ma. Chính mấy cô làm ma nhát người ta mà lại sợ... ma nhát. Nhã Uyên đảm nhiệm vai nữ chính trong vở Cứu em và Quỷ, diễn rất cá tính. Nhưng khi nhân vật của cô bị chết, phải làm ma, Nhã Uyên lại sợ quá trời quá đất. Cô nói: “Sân khấu lẫn hậu trường đều phải tắt đèn tối thui để tạo hiệu ứng kinh dị, một mình tôi lò dò đi ra, tự dưng tôi ớn lạnh, cảm giác có ai đó đang “theo” mình”. Minh Phương cũng nói: “Đời mình sợ ma mà lại đóng ma, báo hại đi vệ sinh cũng nhờ người dắt chứ không dám đi một mình. Nhất là đoạn đường từ phòng hóa trang ra tới sân khấu, vừa xa vừa tối, mình đi mà toát mồ hôi. Nói thiệt là cứ có cảm giác kẻ nào đó đang đứng rất gần mình”. Còn Ngọc Phú vai cô con dâu hiền lành của NSND Ngọc Giàu (vở Áo đợi người) cũng rất sợ ma, đùng một cái, anh nhân viên trong sân khấu Kịch Sài Gòn qua đời, khiến cô càng run lập cập mỗi khi diễn vai ma trong bóng tối vì cứ nghĩ tới anh thường hay ra dọn đồ, đùa giỡn.

Tâm sự của những... con ma 2 

Và đã xảy ra những chuyện các diễn viên hơi... bị ám ảnh. Một lần Nhã Uyên đứng trong bóng tối chuẩn bị ra diễn thì nghe bên tai có tiếng: “Hù. Nhã Uyên làm cái gì vậy?”. Uyên muốn xỉu, ráng trấn tĩnh bước lại cánh gà nơi có mấy anh hậu đài đang đứng, hỏi: “Nãy giờ có anh nào kêu Uyên không vậy?”. Mấy anh nói: “Đâu có, ai nấy lo tập trung làm hiệu ứng cho em, kêu em làm chi!”. Uyên lập cập đi trở lại chỗ cũ, may sao vừa đúng lúc cô phải bước ra sân khấu, nhìn thấy khán giả liền thở phào trấn tĩnh. Còn Bích Trâm đóng vai cô ô-sin trong vở Cứu em bị tai nạn cũng chỉ vì quá sợ ma. Có một lớp diễn, cô ô-sin khi nhìn thấy cái bóng trắng ngồi nơi cây đàn piano liền ngã ra bất tỉnh. Màn kéo lại luôn, dứt cảnh. Nhưng Bích Trâm chưa kịp ngồi dậy thì có ai đó kéo chân cô: “Dậy đi, dậy đi!”. Trâm mở mắt ra thấy một bóng trắng đứng ngay cạnh mình. Thế là cô phóng một cái vèo vô cánh gà, rớt xuống bậc sàn gỗ, gãy luôn ngón chân. Vở kịch đành “nhận lớp”, chỉ còn ngắn ngủn, để cô đi băng bó. Hóa ra anh hậu đài bữa đó gấp rút có việc về nhà nên khi Trâm chưa kịp ngồi dậy thì anh đã vội leo lên sân khấu dọn đồ, hối hả kéo chân Trâm. Anh lại mặc loại áo chuyên dùng trong sân khấu, dạ quang trắng toát, thế mới...đau tim.

Minh Phương còn hết hồn khi bị khán giả “hù” lại. Trong vở có cảnh con ma đi dọc theo hàng ghế khán giả để lên sân khấu, khán giả la ré lên vì sợ. Nhưng cũng có khán giả táo bạo, nắm tay con ma thử coi “nó” ra làm sao. Đang là đà là đà lướt trên đường, bỗng bị chụp tay, dĩ nhiên con ma Minh Phương theo phản xạ giựt mình “ái” lên một tiếng. Giọng con gái nhát hít khiến ai nấy cười rần. Con ma mắc cỡ quá. Lần sau, rút kinh nghiệm, con ma không la “ái” nữa, mà im lặng từ từ quay lại nhìn trân trân vô mặt cái ông khán giả “dũng cảm” kia, thế là ổng giựt mình, rút tay lại liền.

Nhưng có một diễn viên trẻ măng được bạn bè bái phục gọi là “kỳ nữ”. Bởi cô nàng chẳng sợ hãi tí gì, mà có những đêm diễn khuya, nhà trọ đóng cửa, nhà bạn cũng đi vắng, thì cô nàng trải áo khoác ra nằm ngủ một mình tại nhà hát Thế Giới Trẻ mênh mông, tối thui. Đó là Bảo Tâm, một “con ma” xinh đẹp. Cô cười hì hì: “Em còn mong nhìn thấy ma một lần coi mình đóng có giống không”.

Mấy con ma nam thì khác, chẳng sợ chút nào. Hải Triều nói: “Ở đâu mà không có người khuất mặt khuất mày. Trước khi diễn tôi cứ đốt nhang khấn họ cho tôi làm nghề kiếm cơm, là yên tâm diễn”. Nghệ sĩ Mạnh Tràng vai Tiến trong Oan hồn có lẽ là con ma đặc biệt nhất, cho nên anh có cảm thụ khác lạ nhất. Tiến bị tai nạn giao thông, chết đi, nhưng chỉ tìm về thăm mẹ thăm vợ trong hình dạng bình thường, không một chút hóa trang nào đáng sợ. Mạnh Tràng diễn tả một người khi bị cách biệt bởi không gian sống, muốn thổ lộ tình cảm với người thân mà không được, muốn gọi mẹ, muốn ôm vợ, muốn nói bao điều... mà chẳng ai nghe, chẳng ai cảm xúc. Anh đưa tay lên nghẹn ngào, anh dồn nén tức tưởi trong lồng ngực. “Tôi cảm thấy mình bị dồn nén thật sự, và có những buổi diễn tôi đã khóc, thương cho những linh hồn bị xa cách người thân, chắc họ đau khổ lắm. Tôi không sợ họ, mà thông cảm nhiều hơn, mong họ siêu thoát đi đầu thai kiếp khác thì đỡ khổ hơn nhìn thấy người thân mỗi ngày như thế”.

Con ma cũng khổ

Khổ thứ nhất là không ai biết mặt mũi mình ra sao. Những diễn viên nào có nhân vật, rồi mới chết, thì khán giả còn biết mặt. Nhưng diễn viên chỉ đóng thuần vai ma thì xuất hiện mờ mờ ảo ảo, áo trắng bay phất phơ, tóc dài lõa xõa, vậy thôi. Hải Triều kể: “Có lần tôi mời bạn đi xem, tan hát nó hỏi ủa sao tao không thấy mầy ra diễn. Tôi nói trời đất ơi tao nằm trong hòm đó. Tại trùm tóc, rồi quẹt phấn vô tùm lum, nhìn không biết mình là ai”.

Khổ thứ hai là hóa trang. Minh Phương gương mặt còn vết trầy mấy tháng chưa phai. Bởi cô đóng Bé Tư, lát sau vô làm con ma, lát trở ra làm Bé Tư, lát trở lại con ma... Cứ thế mà tẩy trang, hóa trang liên tục, da mặt nào chịu nổi. Còn ai chỉ thuần đóng ma thì cũng dày mo một lớp phấn trên mặt cho trắng bệch ra, thêm tóc giả bù xù, nóng nực. Dù tóc thật có dài bao nhiêu thì cũng phải đội tóc giả cho nó ghê, thành ra tóc thật ép vô đầu, rất mệt.

Khổ nữa là diễn xuất. Đừng tưởng diễn ma chỉ đứng im mà nhát thiên hạ, mà thực sự phải tính toán chi li từng động tác sao cho khớp với hiệu ứng, chỉ cần sai một vài giây là lộ hết bí mật. Bởi kịch ma mà hỏng ngay chỗ có ma thì... khỏi bán vé!

Hoàng Kim

>> Đi dọc Hà Nội: Những con ma đất Hà thành
>> Thổn thức chuyện tình một ‘Con ma’
>> Con ma thích kẹo!?
>> Đám cưới của hai con ma
>> Xem Những con ma nhà hát
>> Những con ma đáng ghét!
>> Những con ma đáng sợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.