Hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại được “chốt sổ” ở thời điểm bị bắt nhưng tổng giá trị tài sản còn lại của Huỳnh Thị Huyền Như chỉ hơn 200 tỉ đồng. Sức ép từ thế giới ngầm được coi là động cơ chính thúc đẩy nữ cán bộ tín dụng này bất chấp mọi thủ đoạn để hút nguồn “tiền tươi”.
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
|
Hầu như bất cứ ai cũng đều biết, tín dụng đen xưa nay không ồn ào, thủ tục “giải ngân” cực kỳ đơn giản. Thậm chí trong vụ án này, chỉ cần một tin nhắn qua điện thoại thì tiền tỉ đã lập tức chuyển tới. Nhưng luật “xin tí huyết” của thế giới ngầm khiến con nợ khiếp đảm, một xu tiền lời cũng không dám chậm. Chính vì vậy cơ quan điều tra, bên cạnh việc khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”, cũng đã rất công bằng khi chỉ rõ áp lực từ các “cá mập” tín dụng đen là nguyên nhân thúc đẩy Như thực hiện hành vi phạm tội.
Nghi vấn rửa tiền
Như khai, cuối năm 2007, thông qua một cò chứng khoán là Hùng Mỹ Phương (tức Phương Đen) môi giới, Như gặp Nguyễn Thiên Lý. Lý sinh năm 1975, gốc Quảng Bình, lý lịch ghi nghề nghiệp buôn bán và cũng không có dấu hiệu gì ghê gớm khi sống trong một con hẻm ở P.11, Q.Bình Thạnh. Nhưng sau lần sơ giao, Lý chủ động đến Vietinbank tìm Như, hỏi có muốn vay thì Lý cho vay, lãi suất 0,4%/ngày. Như đã dính vào Lý kể từ lần “giải ngân” đầu tiên với số tiền 100.000 USD và khoảng 3 tỉ đồng. Trong khi đó Lý khai, ban đầu hai bên quan hệ mua bán cổ phiếu, rồi Như rủ Lý góp tiền để “làm đáo hạn ngân hàng” cho các doanh nghiệp và đầu tư nhà máy đánh bóng gạo…
Cơ quan điều tra đã làm rõ, từ ngày 1.12.2009 đến 14.9.2011, Lý cho Như vay hơn 554 tỉ đồng và 340.000 USD với lãi suất ngày từ 0,4 đến 1,7%. Nhưng Lý đã nhận của Như tổng số tiền gốc và lãi lên đến gần 1.300 tỉ đồng. Đến thời điểm bị bắt, Như vẫn còn nợ Lý hơn 216 tỉ đồng và 340.000 USD tiền gốc. Tính chung, Lý đã “cắn” Như hơn 735 tỉ đồng. Tổng giá trị tài sản của Lý ở thời điểm kết thúc vụ án vẫn còn hơn 328 tỉ đồng, trong đó gồm hơn 146 tỉ đồng tiền mặt, hơn 156.000 EUR cùng nhiều ngoại tệ khác.
Vấn đề đặt ra là một phụ nữ buôn bán bình thường lấy đâu ra nguồn tiền khổng lồ để cho vay như vậy? Thời gian đầu cơ quan điều tra cũng đã nghi vấn về những dấu hiệu rửa tiền của người đẹp này nhưng chưa đủ chứng cứ kết luận nên đã chuyển tội danh khởi tố sang cho vay lãi nặng.
Trong khi đó, cũng từ năm 2007, Như dính vào một đường dây tín dụng khác của bà Nguyễn Thị Lành ở khu dân cư Tân Quy Đông, P.Tân Phong, Q.7. Tính từ thời điểm tháng 3.2008 đến khi vụ án được phát hiện, bà Lành “giải ngân” cho Như hơn 7.800 tỉ đồng và đã thu lại hơn 9.000 tỉ đồng tiền gốc và lãi. Cơ quan điều tra xác định, riêng trong giao dịch với Như bà Lành đã thu lợi bất chính gần 1.200 tỉ đồng.
Nhặt của rơi
Đường đường chính chính là cán bộ của Vietinbank, nghiệp vụ tín dụng dày dặn nhưng Như không thoát được bàn tay vô hình của thế giới ngầm Sài Gòn. Trong vòng 4 năm “phát tài và lụn bại”, Như vật lộn trong vòng vây của hàng chục “ngân hàng đen”. Ngoài những đầu mối “giải ngân” lên đến con số hàng ngàn tỉ như đã nêu, các đường dây khác của Đào Thị Tuyết Dung (P.13, Q.Tân Bình); Hùng Mỹ Phương... với lãi suất ngày gấp 10 lần lãi suất cao nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng đã “cắn” nữ cán bộ tín dụng này mỗi nơi ít nhất vài trăm tỉ đồng.
Rõ ràng nếu nhìn ở “bề nổi”, với việc hút “tiền tươi” ồ ạt trong suốt thời gian dài thì rất khó hình dung vì sao một nữ cán bộ tín dụng “lừng lẫy” giờ đây chỉ còn lại tổng giá trị tài sản chưa đến 230 tỉ đồng. Đặc biệt vào thời điểm này, khi vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP.HCM với con số thiệt hại được kết luận lên đến gần 4.000 tỉ đồng, vấn đề “tiền đã mất có lấy lại được không” là mối quan tâm hàng đầu không chỉ riêng của những cá nhân, đơn vị bị hại. Cơ quan điều tra đã rất nỗ lực khi tìm kiếm và kê biên được 13 bất động sản của Như (gồm căn hộ, nhà xưởng, nhà đất) nằm rải rác khắp các tỉnh thành phía nam, từ đất ở xã Vĩnh Thạnh Trung (H.Châu Phú, An Giang) đến các villa ở xã Điện Dương (H.Điện Bàn, Quảng Nam), biệt thự Hồ Tràm (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu)… Thậm chí tại TP.HCM, nhiều tài sản khác liên quan như sa lon, giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, lò nướng, máy rửa chén... do Như mua sắm trang bị ở các biệt thự Nam Phú (Q.7), An Phú Đông (Q.12)... cũng đã được thu giữ để khắc phục hậu quả do Như gây ra. Nhưng tổng cộng tài sản kê biên và thu giữ các loại cũng chỉ hơn 624 tỉ đồng, 156.000 EUR, 4.629 USD, 920 SGD và 400 HKD.
Trong khi đó, quá trình điều tra bổ sung theo yêu cầu “xác định người bị hại trong vụ án” của Viện KSND tối cao, cơ quan điều tra đã kết luận rõ số tiền thực tế Như còn chiếm đoạt là hơn 3.900 tỉ đồng của các đơn vị, cá nhân. Trong đó Công ty Phúc Vinh hơn 608 tỉ đồng; Công ty Thịnh Phát hơn 788 tỉ đồng; Công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ đồng; Ngân hàng ACB hơn 701 tỉ đồng; Công ty An Lộc hơn 170 tỉ đồng; Công ty CP chứng khoán Phương Đông 380 tỉ đồng…
Riêng đối với Ngân hàng ACB, trước khi vụ án xảy ra Tổng giám đốc Lý Xuân Hải và ê kíp lãnh đạo đã từng họp bàn đến giải pháp quy trách nhiệm số tiền gửi cho Vietinbank và chuẩn bị phương án khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi nợ. Tuy nhiên cơ quan điều tra xác định, ngân hàng này biết rõ Như lấy danh nghĩa Vietinbank huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần từ 3,8 đến 4,5%/năm là vi phạm thông tư của Ngân hàng Nhà nước; biết rõ việc dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên gửi vào Vietinbank là trái với luật Các tổ chức tín dụng... nhưng vì tham lãi suất cao, muốn thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông nên vẫn làm, tạo điều kiện cho Như lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Vì vậy ACB là bị hại của Như.
(Còn tiếp)
Thủy Long
Bình luận (0)