|
Lo không trả được nợ
|
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, chủ trương đưa thiết bị giảng dạy đa chức năng (bảng tương tác) vào trường học bắt đầu từ chỉ đạo của UBND TP từng bước hiện đại hóa trường học, cho học sinh tiếp cận với thiết bị giảng dạy hiện đại. Đồng thời thực hiện có hiệu quả đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp và đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. UBNDTP chỉ đạo Sở lên kế hoạch triển khai trang bị cho tất cả các ngành học, bậc học. Giai đoạn một thực hiện ở các trường mầm non, tiểu học. Sau đó, từng bước, tùy vào tình hình tài chính sẽ triển khai tiếp đến các trường THCS, THPT…
Lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường cho rằng đây là thiết bị trực quan sinh động có thể sử dụng vào giảng dạy nhiều bộ môn tạo hứng thú cho học sinh… Tuy nhiên, từ trưởng phòng cho đến hiệu trưởng đều ngần ngại, e dè nhận thiết bị này.
Lãnh đạo một phòng giáo dục chia sẻ: “Mỗi trường mầm non nhận một bảng tương tác trong đó 50% giá trị do ngân sách TP cấp, phần còn lại xã hội hóa từ phụ huynh học sinh và trả góp trong vòng 2 năm. Trường nào nhận thì phải tính toán để có 90 triệu đồng trả nợ. Năm nay học phí thay đổi nên mỗi khoản thu mới đòi hỏi phải có sự suy xét rất thấu đáo”.
|
Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng Giáo dục Q.4, cho hay: “Theo phân bổ, quận có 15 trường mầm non thì sẽ có 15 thiết bị nhưng thực tế chỉ có 8 trường nhận. Những trường còn lại do có nhiều điểm lẻ, mỗi điểm chỉ có 1 - 2 phòng học nên khó lòng thực hiện”.
Lo không trả nổi nợ nên Trường mầm non 3 (Q.6) từ chối không dám nhận tiền hỗ trợ ngân sách mua sắm bảng tương tác. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, thông tin: “Trường chỉ có gần 200 học sinh, 90 triệu đồng là khoản tiền không hề nhỏ nên quận không dám ép”. Tương tự, Trường mầm non 14 cũng có văn bản đề nghị với Phòng Giáo dục Q.Tân Bình không nhận thiết bị với lý do trường ít học sinh và đang phải học tạm tại phòng giáo dục do trường đang xây dựng.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo cấp phòng và trường mầm non đều thừa nhận thiết bị dành cho trẻ 5 tuổi nhưng nếu tính toán, cân đối kinh phí đúng theo chủ trương thì không trường nào dám nhận. Trường mầm non nào lớn thì cũng chỉ có tối đa khoảng 200 học sinh 5 tuổi. Khoản nợ trả trong 2 năm nhưng tính ra thực thu chỉ có 18 tháng, trung bình mỗi tháng các trường phải trả 5 triệu. Số lượng học sinh càng ít thì số tiền mỗi học sinh đóng càng cao. Phụ huynh sẽ không đồng ý, nhà trường không kham nổi.
Giáo viên còn chưa được tập huấn
Trước khi thực hiện đại trà ở các quận huyện, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở chọn một quận để tổ chức đấu thầu công khai mua sắm thiết bị. Sở chọn Q.5 để thực hiện, do vậy đến nay chỉ mới có các trường mầm non ở Q.5 đang sử dụng thiết bị này. Trong khi đó, các quận huyện khác vẫn đang trong giai đoạn lắp ráp, chờ tập huấn… Trong khi đó thời điểm này cũng gần kết thúc học kỳ 1, tiền thì phụ huynh đã đóng nhưng học sinh vẫn chưa được chạm vào bảng.
Trường mầm non 9 (Q.6) đã chuẩn bị thời khóa biểu sẽ có 2 tiết trong tuần học với bảng tương tác. Tuy nhiên, đến giờ trường chỉ mới nhận sản phẩm. Lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.6 cho hay phải một tuần nữa mới hoàn thành khâu lắp ráp, sau đó nghiệm thu, tập huấn cho giáo viên. Có khi đến tháng 12 các trường mới đưa vào sử dụng.
Ngày 4.11, sẽ kết thúc thời gian tập huấn ở Q.Tân Bình nhưng bà Phạm Thị Phước, Phó phòng Giáo dục, thừa nhận: “Đâu phải tập huấn là sử dụng thành thạo ngay đâu. Chắc chắn sẽ còn bỡ ngỡ, chệch choạc. Giờ đã gần hết học kỳ 1, có khi đến học kỳ 2 may ra mới ổn định”. Trước thực tế này, lãnh đạo phòng giáo dục một quận nội thành cho rằng: “Nếu hiệu quả thì chắc phải… đợi lớp chồi năm nay sang năm vào lớp lá chứ học sinh lớp lá năm nay thì chắc chắn khó lòng tính đến”.
Bích Thanh
>> Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm
>> Sai sót trong sách Những vấn đề chung về đổi mới giáo dục trung học cơ sở môn Sinh học
>> Đổi mới giáo dục bằng hệ thống thông tin quản lý hiện đại
>> Phụ huynh cùng nhà trường đổi mới giáo dục
Bình luận (0)