Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm

02/11/2013 01:03 GMT+7

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội trong buổi sáng (1.11), nhiều ĐBQH cho rằng, những sai phạm trong thất thoát ngân sách nhà nước, lãng phí , tham ô... không thể dồn hết trách nhiệm cho Chính phủ, mà QH cũng phải có liên đới.

Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Ngọc Thắng

Không thể đổ lỗi hết cho Chính phủ

Thẳng thắn cho rằng QH là cơ quan quyết định về chi tiêu theo luật ngân sách, thay mặt người dân “giữ tay hòm chìa khóa”, việc ngân sách bị hụt thu, phải tăng bội chi - theo ĐB Dương Trung Quốc,  không thể đổi lỗi hết cho Chính phủ, mà ngay QH cũng phải có trách nhiệm liên đới. QH và ĐB không thể “vô can” trong những sai phạm của bộ máy hành pháp.

Từ suy nghĩ khách quan như vậy, ông Quốc thừa nhận mình là một trong số nhiều ĐB hạn chế, không am hiểu sâu về lĩnh vực quan trọng như tài chính ngân sách, do đó ĐB đề nghị các phương án đưa ra về tăng bội chi, phát hành trái phiếu cần cụ thể hơn, phải xem như một dự án được tính toán chi li trên cơ sở Chính phủ phải cam kết trách nhiệm khi sử dụng số tiền này. “Số tiền này phải được thể hiện cụ thể bao nhiêu bằng những con số tuyệt đối chứ không chỉ căn cứ vào chỉ số 5,3% GDP, hay mức 65% GDP giới hạn trần nợ công. Những cơ sở khoa học và khả thi của những con số này” - ĐB Dương Trung Quốc nêu.

Nhắc lại vụ thất thoát tài sản tại Vinashin, hay tại một số ngân hàng, ĐB Quốc bày tỏ: “Trong ký ức của người dân, vẫn còn nóng hổi biết bao nhiêu tài sản, trong đó có cả những trái phiếu Chính phủ phát hành quốc tế đã thất thoát cùng Vinashin, những món tiền khổng lồ mà chỉ một người đứng đầu Vinalines có thể định đoạt để mua một khối sắt vụn theo giá ở trên trời để tham ô. Một số cán bộ của ngân hàng có vốn của nhà nước có thể dễ dàng lừa khách hàng của mình 4.000 tỉ đồng một cách hết sức dễ dàng. Cho dù những vụ việc này sắp được đưa ra trước vành móng ngựa thì lòng tin của nhân dân vẫn đòi hỏi QH chúng ta phải cẩn trọng hơn nữa, không phải là bó tay Chính phủ mà ủng hộ Chính phủ bằng chính trách nhiệm của mình”.

Đừng nên “vơ đũa cả nắm” ngành y

Tiếp tục thảo luận về vấn đề xã hội, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nêu một số vụ việc xảy ra trong ngành y tế, điển hình vụ vứt xác phi tang tại trung tâm thẩm mỹ Cát Tường. ĐB cho rằng cần phải bình tĩnh phán xét, tránh vơ đũa cả nắm, mạt sát cán bộ y tế. “Thực tế có rất nhiều cán bộ y tế vất vả, những người làm công tác dự phòng, phòng chống HIV”, ĐB Tiên nêu. Tuy nhiên, ĐB Tiên cũng đề nghị Bộ Y tế và các sở phải nghiêm túc với những gì đã xảy ra, xử lý công khai để làm gương. “Phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm y đức, chúng ta phải đuổi hẳn khỏi ngành y không cho làm việc ở ngành này vĩnh viễn. Có thế mới đe dọa được những người coi thường bệnh nhân, còn nếu không thì sẽ rất khó khăn”, ĐB Tiên đề nghị.

Bàn về vấn đề xóa đói giảm nghèo, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng thời gian qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của nhà nước đã giải quyết được tốt, nhưng lại làm đảo lộn các giá trị. “Dân tộc Việt Nam rất sợ nghèo đồng thời là dân tộc tự tôn, tự trọng, ai nói mình nghèo là không chịu. Nhưng bây giờ nhiều địa phương rất muốn được xếp vào loại nghèo, nhiều hộ muốn thuộc diện hộ nghèo. Nếu thôn, ấp, làng nào đó mà không đưa vào diện nghèo thì lập tức bị phản ứng rất gay gắt, đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ”, ĐB Lai đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Lúc này niềm tin là rất quan trọng”

Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm

Lúc này niềm tin là quan trọng, cần phải xây dựng niềm tin. Tôi cho rằng nhiều ý kiến rất hay và điều quan trọng nhất là chúng ta hãy phân tích kỹ tình hình để có cái nhìn một cách thẳng thắn. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần phải bàn là làm gì cho 2 năm tới và làm bằng cách nào, đó là vấn đề quan trọng nhất. Nếu Việt Nam không đổi mới chắc chắn sẽ khó khăn, đó là một tiên đoán hoàn toàn có căn cứ, tôi nghĩ QH cũng cảm nhận được điều này.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình:  “Nếu không xử lý, nợ xấu đã tăng thêm 10%”

Đến nay tổng số nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỉ đồng. Nói một cách khác chiếm cỡ khoảng hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này có tới khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Nếu chúng ta không cơ cấu lại nợ cho các tổ chức tín dụng theo phương án và cơ chế NHNN đã ban hành thì nợ xấu của chúng ta đã tăng thêm trên 6%.

Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm

Phương án thứ hai, trong năm 2012 toàn hệ thống NH đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là khoảng 70.000 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay đã trích lập và xử lý nợ xấu thêm 32.000 tỉ đồng nữa. Theo kế hoạch, trong năm nay chúng tôi cũng sẽ trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn này khoảng 70.000 tỉ đồng. Như vậy nếu căn cứ vào các con số mà chúng ta đã tiến hành là chúng ta đã xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 xấp xỉ 100.000 tỉ đồng.

Đến nay từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu thì Công ty quản lý tài sản VAMC đã mua được 10.000 tỉ đồng nợ xấu. Như vậy, cộng lại tất cả những con số mà chúng ta đã triển khai thì có thể thấy rằng nếu như chúng ta không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng thêm khoảng 10%.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): “Tha thiết mời Thống đốc đi vi hành”

Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm1 

Tôi tha thiết đề nghị đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp xếp thời gian đi vi hành ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, kể cả vùng núi, đến các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ để xem lại xem họ cần gì, đến những nơi công chức đang cần mua nhà vì sao họ không có tiền, không tiếp cận được vốn mặc dù lãi suất trần hạ thấp.

ANH VŨ (ghi)

>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 'Sờ vào đâu cũng lãng phí, thất thoát
>> Bó tay' với thất thoát, lãng phí
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
>> Chủ trương đầu tư sai là thủ phạm gây lãng phí, thất thoát nhiều nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.