Chủ trương đầu tư sai là thủ phạm gây lãng phí, thất thoát nhiều nhất

23/09/2013 12:34 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến luật Đầu tư công sửa đổi diễn ra sáng nay (23.9).

(TNO) Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Đầu tư công sửa đổi diễn ra sáng nay (23.9).

>> Lo ngại lãng phí trong đầu tư công
>> Lại ồ ạt đầu tư công
>> Lãng phí đầu tư công
>> Đầu tư công vẫn thất thoát, trì trệ, kém hiệu quả
>> Bức xúc cắt giảm đầu tư công


Đầu tư công vẫn còn quá dàn trải, lãng phí - Ảnh: Anh Vũ

Trước đó, đánh giá về luật Đầu tư công có hiệu lực từ 2003, theo Bộ KH-ĐT, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài.

Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp.

Chợ xây xong không ai sử dụng

Đánh giá báo cáo tác động của Bộ KH-ĐT cho thấy, chủ trương đầu tư là khâu hết sức quan trọng.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công khi cân đối vốn không cân đối đủ do chủ trương đầu tư phê duyệt ồ ạt; nhiều chương trình, dự án được bố trí đủ vốn khi đưa vào sử dụng không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp.

“Đầu tư xây dựng dự án đường ven biển miền Trung, khi xây dựng xong, hiệu quả rất thấp do không có người sử dụng; hoặc để đầu tư xây dựng một số chợ dân sinh, một số trung tâm thương mại tại cửa khẩu… như báo chí đã nêu, xây dựng xong không có người kinh doanh, mua bán nên đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của của Nhà nước”, báo cáo chỉ rõ.

Giải trình trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Vinh khẳng định, qua nghiên cứu rà soát hiện nay lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là từ chủ trương đầu tư sai, các khâu thiết kế, quy hoạch, thi công, xây dựng có thất thoát nhưng mức độ không bằng.

“Thủ tướng cũng bức xúc nói tại sao đường miền núi mà lại làm to như vậy, rộng 60-70 m, ai quyết định đầu tư? Rồi dự án khổng lồ mấy chục nghìn tỉ đồng quyết định một phát xong ngay, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo. Việc này vô cùng lãng phí”, ông Vinh nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, trước nay, tại các tỉnh vẫn tồn tại tình trạng địa phương không cần biết túi có bao nhiêu tiền cứ ký cho đầu tư dự án tràn lan, cũng không có thẩm định vốn. “Lần này, sẽ có quy định trong thẩm định vốn phải đạt 80% nguồn mới triển khai, chứ không để trước kia cứ vẽ đường ra để chạy, rồi treo đến 10-15 năm không làm nổi. Công trình thủy lợi kế hoạch dự tính tưới 1.000 ha, nhưng làm xong chỉ tưới được có 500. Sau, lại lý giải do thiết kế không đúng. Đó chỉ là ngụy biện, ngụy biện hết, bởi ai chịu trách nhiệm khi ký quyết định đầu tư, ai chịu trách nhiệm khi suất đầu tư đang 1 tỉ đồng 1.000 ha nay 1 tỉ đồng chỉ được 500 ha”, ông Vinh nói và khẳng định, nếu không sửa theo hướng này thì “bó tay” với đầu tư dàn trải.

Triền miên đội giá đấu thầu

Cho ý kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị siết lại chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề đội giá công trình xảy ra trong suốt thời gian qua khi hợp đồng đấu thầu một giá, sau đó bị trượt giá khiến thanh toán một giá khác.

“Tôi muốn một giá thôi, trúng thầu bao nhiêu trả bấy nhiêu. Không để như hiện nay trúng thầu 100 tỉ đồng, khi thanh toán vài trăm tỉ là bình thường”, ông Hùng đặt vấn đề.

Tiếp tục cho rằng, tình trạng này tồn tại triền miên trong thời gian qua, Chủ tịch đề nghị, tất cả những rủi ro do con người gây ra cần phải được tính toán hết vào dự toán, chỉ trừ những trường hợp do “trời đánh không tránh được” như thiên tai, lũ lụt bất khả kháng thì mới chấp nhận điều chỉnh.

“Các đồng chí đều nói với nhau A-B (chủ đầu tư và nhà thầu - PV) là chùm khế ngọt. Các ông ngồi đây biết rõ, tôi biết rõ mà chịu không làm gì được vì cơ quan thẩm quyền đóng dấu hết, phê duyệt hết rồi”, Chủ tịch nhắc nhở và khẳng định, nếu không kiên quyết sửa điểm này thì luật mới sẽ không thể chống được tham nhũng, đầu tư công dàn trải.

Anh Vũ

>> Đầu tư công trình chống hạn
>> Hoãn trình luật Đầu tư công, mua sắm công
>> Lo ngại lãng phí trong đầu tư công
>> Đầu tư công 8 tháng đạt 125.000 tỉ đồng
>> Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ
>> Lại ồ ạt đầu tư công
>> Lãng phí đầu tư công
>> Đầu tư công vẫn thất thoát, trì trệ, kém hiệu quả
>> Bức xúc cắt giảm đầu tư công
>> Đà Nẵng cắt giảm đầu tư công 685 tỉ đồng
>> Chưa thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.