Lại ồ ạt đầu tư công

20/07/2012 03:40 GMT+7

Bình quân mỗi tháng giải ngân 21.000 tỉ đồng, cao hơn gấp rưỡi so với mức giải ngân vốn đầu tư công của 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, bỏ qua nhiều thủ tục, quy trình giải ngân để đạt mục tiêu "đẩy" 130.000 tỉ đồng vốn đầu tư công ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

>> Lãng phí đầu tư công
>> Kiên quyết thu hồi vốn đầu tư công sai mục đích
>> Kiên quyết cắt giảm đầu tư công
>> Minh bạch cắt giảm đầu tư công

Những thông tin nói trên do lãnh đạo Bộ Tài chính công bố được cho rằng đi ngược chủ trương "siết" và tái cơ cấu đầu tư công theo tuyên bố của Chính phủ và gây lo ngại đưa lạm phát, bất ổn quay trở lại nền kinh tế. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xung quanh vấn đề này.

Cầu Thăng Long  
Cầu Thăng Long tốn tiền sửa chữa vì chất lượng kém - Ảnh: Minh Sang

 
Việc bơm một khối lượng lớn đầu tư công và tín dụng trong một thời gian quá ngắn có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát và bất ổn vĩ mô mới, cái vòng xoáy luẩn quẩn mà chúng ta luôn vấp phải trong mấy năm nay. Đó là cứ đầu năm thắt chặt, giữa năm tháo khoán để rồi đầu năm sau lại phải thắt chặt trở lại

Theo ông tại sao bỗng dưng lại có tư tưởng "đẩy" đầu tư công ồ ạt như vậy?

Tôi cho rằng suy giảm kinh tế cùng với sức ép từ doanh nghiệp (DN) và xã hội đưa Chính phủ trở lại với mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể là quý 1 tăng trưởng 4,1%, đến hết quý 2 cũng chỉ đạt 4,4% nên có vẻ như đã có sự sốt ruột về tăng trưởng. Trong khi đang sốt ruột về tăng trưởng mà lại thấy các cấu phần quan trọng của GDP như tiêu dùng và đầu tư tư nhân đều không có dấu hiệu khả quan nào trong 6 tháng còn lại nên có lẽ đầu tư công đã được chọn làm giải pháp. Điều này càng được củng cố khi tốc độ giải ngân của đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 13.000 tỉ đồng/tháng, không đạt mục tiêu đề ra nên Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Với tổng lượng giải ngân là 130.000 tỉ, mỗi tháng 21.000 tỉ, cao hơn gấp rưỡi so với mức trung bình của 6 tháng đầu năm, có thể coi là một sự tháo khoán về đầu tư công.

Đầu tư công dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả chưa được khắc phục, việc giản lược bớt nhiều thủ tục, thậm chí "cắt" bớt quy trình cũng như phân cấp mạnh cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn - tổng công ty nhà nước... như cách làm của Bộ Tài chính nhằm "giải ngân nhanh" có đáng lo ngại không, thưa ông?

Tư tưởng "cứ đẩy đầu tư ra cái đã, hậu kiểm tính sau" rất nguy hiểm bởi thực chất là "nhân danh" tính cấp bách để thay đổi quy trình đầu tư công. Chúng ta đều biết, quy trình đầu tư công hiện nay không đảm bảo hiệu quả, gây ra biết bao thất thoát, lãng phí, dàn trải thì không có cơ sở nào để chắc chắn rằng cơ chế gần như là "tháo khoán" này, được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp lại có hiệu quả. Quan trọng hơn, trong khi Chính phủ phát đi thông điệp thực hiện ba chương trình tái cấu trúc kinh tế với mục đích là phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn - cụ thể với đầu tư công là đúng trọng điểm, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả - thì cách làm này sẽ đi ngược lại với chủ trương và mục tiêu nói trên. Hay nói cách khác, chúng ta lại đang vì mục tiêu ngắn hạn mà hy sinh mục tiêu dài hạn.

 

ĐBQH, PGS - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân

Tôi cho rằng "bệnh" vẫn còn rất nặng, không nên xuất viện sớm. Thể chế giám sát, cơ chế đánh giá hiệu quả đầu tư công chưa có, nếu chúng ta tiếp tục bơm vốn ào ạt ra thì không tránh khỏi chuyện thất thoát vốn nhà nước.

Chính sách thiếu nhất quán, đi ngược lại với các chuẩn mực đã xây dựng, ngược với chủ trương đã được công bố chắc chắn và quyết liệt như vậy có thể dẫn tới hậu quả gì, thưa ông?

Hậu quả lớn nhất là xói mòn niềm tin. Tới thời điểm này, khi đã nửa năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thì tiền vẫn không chảy vào sản xuất, DN vẫn đói vốn, vẫn phải vay với lãi suất cao; thanh khoản ứ đọng, nợ xấu còn nguyên - nghĩa là tái cơ cấu ngân hàng chưa có dấu hiệu thành công. Cải cách DNNN cũng chưa có bước tiến gì. Giờ thêm việc "tháo khoán" đầu tư công. Cả 3 "mặt trận" tái cấu trúc đều chưa có kết quả gì, thậm chí còn đi ngược lại với chủ trương Chính phủ đã tuyên bố trước đó sẽ tạo nên một sự nghi ngờ, một sự xói mòn về niềm tin đối với chính sách điều hành vĩ mô và các quyết sách lớn của nhà nước.

Ông đánh giá thế nào về khả năng lạm phát quay trở lại khi chúng ta đẩy một số tiền lớn vào nền kinh tế trong một thời gian ngắn như nói trên?

Nếu "tháo khoán" đầu tư công ở giai đoạn này và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 12 - 13% (hiện nay mới 0,76%) bằng mọi giá trong những tháng cuối năm thì chắc chắn năm 2013 sẽ phải gánh chịu hậu quả. Việc bơm một khối lượng lớn đầu tư công và tín dụng trong một thời gian quá ngắn có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát và bất ổn vĩ mô mới, cái vòng xoáy luẩn quẩn mà chúng ta luôn vấp phải trong mấy năm nay. Đó là cứ đầu năm thắt chặt, giữa năm tháo khoán để rồi đầu năm sau lại phải thắt chặt trở lại. Cách làm này hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu xây dựng nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng áp lực tăng tổng cầu để chặn đà suy giảm kinh tế là hết sức cấp bách. Theo ông, nếu đẩy mạnh đầu tư công vào lúc này thì phải chú trọng đến những yếu tố nào?

Trong điều kiện kinh tế suy giảm và hiệu lực của chính sách tiền tệ thấp như hiện nay (tín dụng dù muốn cũng chưa tăng được, lãi suất dù giảm mạnh tay nhưng vốn vẫn chưa tới được tay DN) thì hiển nhiên phải viện đến chính sách tài khóa. Nhưng sử dụng chính sách tài khóa phải lưu ý 3 khía cạnh là hiệu quả kinh tế, tốc độ tác động của chính sách, và không chèn lấn khu vực tư nhân.

 

Theo Bộ Tài chính, số vốn 130.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân cho các dự án đã được phê duyệt theo kế hoạch, tập trung cho các dự án sắp hoàn thành để tạo tổng cầu, giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho DN. Để giải ngân nhanh, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản. Đơn cử như Kho bạc Nhà nước không còn tham gia vào Hội đồng nghiệm thu, việc phân cấp cũng mạnh hơn cho các bộ, ngành, địa phương chủ động phân bổ vốn dựa trên định hướng phát triển của mình...

Từ trước tới nay, nói đến chính sách tài khóa ở VN người ta thường nghĩ ngay đến tăng đầu tư và chi tiêu công. Nhưng nếu tăng đầu tư công theo cách “tháo khoán” thì sẽ kém hiệu quả. Hơn nữa, độ trễ của chính sách tài khóa còn dài hơn chính sách tiền tệ. Cuối cùng, tăng đầu tư công, nhất là từ nguồn trái phiếu chính phủ, chắc chắn sẽ chèn lấn khu vực tư nhân.

Vậy phải sử dụng chính sách tài khóa thế nào để đạt 3 hiệu quả như ông nói trên?

Từ trước đến nay, cứ mỗi khi suy giảm kinh tế người ta nghĩ ngay đến kích thích tài khóa, mà nói cụ thể hơn là tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, có một cách khác, đó là kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân mà ở VN, rõ ràng là hiệu quả hơn đầu tư công. Điều này đòi hỏi phối hợp cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Về chính sách tiền tệ, điều quan trọng nhất trước mắt là phải giải quyết nhanh nợ xấu để lưu thông tín dụng dần trở lại bình thường. Về mặt tài khóa, nếu kiên định với mục tiêu thâm hụt ngân sách chính phủ thay bằng việc tăng thu để tăng chi thì nên chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm bớt gánh nặng cho khu vực DN và tiêu dùng. Cụ thể là tăng mức độ miễn, giảm, giãn đối với những loại thuế tác động lớn đối với nền kinh tế như thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Khi ấy, nguồn thu lẽ ra chuyển về ngân sách để rồi Chính phủ lấy để chi tiêu sẽ được giữ lại cho DN và người tiêu dùng, đáp ứng ngay nhu cầu về đầu tư và chi tiêu của họ nên sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chi tiêu này của khu vực tư nhân sẽ đi thẳng vào GDP chứ không phải chờ độ trễ dài như chi tiêu công; và tất nhiên là điều này không gây chèn ép đối với khu vực tư nhân. Tôi nghĩ điều này cũng hợp lòng dân.

DN và người dân đang lúc khó khăn chắc sẽ thích được giảm bớt gánh nặng thuế khóa hơn là tiếp tục phải giữ gánh nặng này, nộp thuế cho chi tiêu công mà hiệu quả không biết thế nào.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, đầu tư công vẫn không thể thiếu trong bối cảnh kinh tế của VN hiện nay, thưa ông?

Đúng thế, hạn chế chi tiêu, không thúc ép tăng thu không có nghĩa là không đầu tư công nữa. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chỉ nên đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng sắp hoàn thành chứ không phải đầu tư mới. Điều này vừa giúp giải quyết nút thắt cổ chai, vừa có sức lan tỏa cao cho toàn nền kinh tế. Thứ hai là đầu tư công cho nông nghiệp và nông thôn, vốn là nền tảng của xã hội VN nhưng lại là nơi thiếu được chú trọng và dễ bị tổn thương. Trong khi 10 năm trước, đầu tư công vào nông nghiệp còn chiếm 13% ngân sách thì nay chỉ còn 6%, vì vậy nhất thiết phải điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên. Thứ ba là đầu tư vào phúc lợi xã hội là giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội. Những chính sách này giúp hỗ trợ nhóm nghèo. Một đồng tiền hỗ trợ người nghèo vào lúc khó khăn sẽ không chỉ có tác động tích cực về mặt kinh tế mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa chính trị - xã hội.

Nguyên Hằng
(Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.