|
Đây là hai tuyến quốc lộ huyết mạch ở vùng bắc Tây nguyên, lưu thông về các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực đông bắc Campuchia. Nhưng những năm trở lại đây, với mật độ phương tiện giao thông lưu thông dày đặc, các tuyến giao thông này có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn từ dốc Hàm Rồng, TP.Pleiku đến H.Chư Sê (Gia Lai) từ lâu đã thành cực hình với những người tham gia giao thông. Nhiều đoạn đường nhựa bị bong tróc thành ổ gà, ổ trâu loang lổ.
Quốc lộ 25 đoạn lưu thông qua đèo Tô Na cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa giao thông. Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở luôn là mối nguy cơ gây tai nạn. Khi chỉnh tuyến, nâng cấp đoạn đường qua đèo này thì sự nguy hiểm càng tăng. Chỉ riêng hai trận sạt lở gần đây, gần 10.000 m3 đất đá đã ào xuống đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Rất may thời gian sạt lở là ban đêm. Nếu sạt lở ban ngày, các phương tiện giao thông khi lưu thông qua đây hẳn sẽ bị đẩy xuống vực hay chôn vùi trong đống đất đá.
Quốc lộ 19 đoạn từ H.Đắc Pơ (Gia Lai) đến đèo An Khê cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ Gia Lai), một tài xế chuyên chở nông sản đi tuyến đường này, ngán ngẩm: “Cánh tài xế tụi tui luôn canh cánh nỗi sợ xe bị lật vì nhiều ổ gà, ổ voi quá. Chưa kể thời gian vận chuyển bị ảnh hưởng. Nếu đi vào ban đêm lại càng nguy hiểm”.
Tây nguyên là khu vực chỉ có giao thông đường không và đường bộ. Do đó, sự xuống cấp của các tuyến giao thông huyết mạch đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ông Nguyễn Trung Tâm, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, cho biết: “Các tuyến quốc lộ này lưu lượng xe tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt là xe khách. Việc các quốc lộ bị xuống cấp đã không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên”.
Thực trạng trên cũng gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trước thực trạng này, Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ các đoạn tuyến nêu trên nhanh chóng tiến hành sửa chữa các hư hỏng nền, mặt đường để đảm bảo giao thông. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT thuộc quốc lộ 14 cần nhanh chóng triển khai thi công dự án, đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết.
Trần Hiếu
Bình luận (0)