Quảng Nam: Thủy điện khẩn trương xả nước đón lũ

08/11/2013 20:15 GMT+7

(TNO) Để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trước khi cơn bão Hải Yến gây ảnh hưởng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu các thủy điện trên địa bàn khẩn trương xả nước về cao trình quy định.

* Đường vào khu dân cư sát biên giới bị ách tắc do sạt lở đất

(TNO) Để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trước khi cơn bão Hải Yến gây ảnh hưởng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu các thủy điện trên địa bàn khẩn trương xả nước về cao trình quy định.

Tàu thuyền ngư dân Tam Tiến (H.Núi Thành) đã vào bờ neo đậu an toàn
Tàu thuyền ngư dân Tam Tiến (H.Núi Thành) đã vào bờ neo đậu an toàn 

Chiều nay 8.11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác phòng chống cơn bão Hải Yến dự báo sẽ ảnh hưởng tỉnh này với cường độ mạnh.

Tại cuộc họp, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chỉ đạo các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 khẩn trương xả nước xuống cao trình đón lũ đúng quy định.

Theo đó, hồ thủy điện A Vương điều tiết nước xuống cao trình 376 m và Đăk Mi 4 điều tiết xuống 255 m trước 0 giờ ngày mai 9.11.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 73 hồ chứa, trong đó có 46 hồ đã đầy nước, còn lại 27 hồ đã tích nước từ 70-80% dung tích hồ.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các địa phương có nhiều tàu thuyền như: Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn… khẩn trương hỗ trợ người dân đưa tất cả phương tiện vào bờ, đến nơi tránh trú an toàn.

Các huyện ven biển như: Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình…, địa phương hai bên sông Vu Gia - Thu Bồn triển khai công tác di dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, sóng đánh đến những nơi an toàn. Mọi công tác thực hiện xong vào tối 9.11.

Tuyến đê biển tại TP.Hội An đang bị sạt lở nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương hết sức lo lắng khi bão HaiYan sắp đổ bộ
Tuyến đê biển tại TP.Hội An đang bị sạt lở nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương hết sức
lo lắng khi bão Hải Yến sắp đổ bộ

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP.Hội An, cho biết tất cả người dân sinh sống tại các vùng ven biển như: Cẩm An, Cửa Đại… sẽ được di dời để tránh bão.

Ông Sự thông tin, hiện tuyến kè ven biển tại địa phương đã không còn an toàn vì bị sạt lở do các cơn bão trước gây ra. Hiện địa phương đang cấp tập gia cố.

Trong khi đó, UBND huyện Điện Bàn cũng đã giao cho chủ tịch UBND các xã xây dựng phương án di dời dân, thực hiện trước 17 giờ ngày 9.11.

Người dân ven biển tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) sẽ được di từ 14 giờ đến 19 giờ ngày 9.11.

Ngoài ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Quảng Nam yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Công tác sắp xếp neo đậu an toàn phải thực hiện trước 19 giờ ngày 9.11.

Ông Thanh chỉ đạo thêm, chính quyền địa phương ven biển có nhiều nhà dân cấp 3-4 có nguy cơ sập đổ phải tiến hành đào hầm hố để đảm bảo an toàn người dân tránh trú.

Từ ngày 5 đến 7.11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm.

Một số nơi có lượng mưa lớn như: Phước Sơn 583 mm, Trà My 294 mm, Thạnh Mỹ 168 mm… đã khiến nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi bị sạt lở.

Đồn Biên phòng 661 (tại xã Đăk Pring, huyện Nam Giang) cho biết, do mưa lớn kéo dài trong 3 ngày (từ 5-7.11), tuyến đường dẫn vào đơn vị và các khu dân cư sát biên giới đã bị sạt lở nghiêm trọng. Các phương tiện không thể lưu thông vì hàng ngàn khối đất đá đổ xuống mặt đường.

Tuyến đường liên xã Đăk Pre - Đăk Pring cũng bị sạt lở ít nhất 3 điểm.

Tin, ảnh: Hoàng Sơn

>> Siêu bão Hải Yến giật trên cấp 17, di chuyển nhanh
>> Hơn 200 tàu cá chạy về Lý Sơn tránh bão Hải Yến
>> Đà Nẵng khẩn cấp ứng phó bão Hải Yến
>> TP.HCM: Có thể cho học sinh nghỉ học vì siêu bão Hải Yến
>> Đà Nẵng: Sơ tán hơn 73.000 dân để tránh bão Hải Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.