Triều cường và mưa lớn gây ngập nặng trên đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức ngày 7.11 - Ảnh: Diễm Út |
Ngập chưa từng có
|
Cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM, bán đảo Thanh Đa - Bình Quới thuộc P.27 và P.28, Q.Bình Thạnh vừa trải qua trận ngập lụt mà người dân nơi đây gọi là trận ngập lịch sử, xảy ra vào sáng 7.11 vừa qua. Theo báo cáo nhanh của UBND P.27, từ lúc 2 giờ sáng 7.11, nước bắt đầu lên, đến 8 giờ cùng ngày, nhiều nơi trong phường đã bị ngập 0,2 - 0,5 m. Một số điểm ngập nặng như hẻm 158 đường Bình Quới ngập 0,8 - 1 m; chợ Thanh Đa và đường nội bộ lô U, lô L chung cư Thanh Đa ngập 0,6 - 0,7 m; khu vực công viên lô 1 nước sông Sài Gòn tràn qua bờ kè ngập 0,6 - 0,8 m.
Theo nhiều người dân ngụ tầng trệt cư xá Thanh Đa, hiện nay nền nhà của họ thấp hơn mặt đường 0,8 m. Trước kia mặt đường ở đây thấp hơn nền nhà, nhưng do ngập quá nên chính quyền địa phương đã cho nâng đường để chống ngập.
Trước đây, khi triển khai Dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), công trình chống ngập khu vực cư xá Thanh Đa cũng thuộc dự án này. Nơi đây có một trạm bơm do Trung tâm điều hành chống ngập nước TP quản lý, Công ty thoát nước đô thị TP chịu trách nhiệm vận hành. Ông Phan Quang Hoàng (làm việc tại trạm bơm) cho biết, trạm bơm chỉ có thể chống ngập do triều cường với khu vực rộng 15,4 ha trong phạm vi cư xá Thanh Đa, còn lúc thủy triều lên cao mà có mưa to thì chịu.
Một cựu cán bộ ngành giao thông nói, nhiều tuyến đường hiện nay mặt đường thấp hơn đỉnh triều, nên khi xảy ra tổ hợp mưa lớn cùng lúc triều cường lên cao, ngập là phải rồi!
Các con đường giao thông hơn 15 năm trước khi lập dự án căn cứ vào đỉnh triều ở trạm Phú An (sông Sài Gòn) vào thời điểm đó chỉ khoảng 1,4 m, với tần suất 5% (trong 100 năm xảy ra 5 lần đỉnh triều cao như thế). Trong những năm gần đây, đỉnh triều liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và đến nay đã lên đến 1,68 m. Do vậy, phần lớn những con đường làm vào thời điểm đó giờ đều bị ngập do triều cường, như đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7 và huyện Nhà Bè), đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân); đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh); đường Nguyễn Văn Linh (Q.7 và huyện Bình Chánh); quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)... Ngay cả đường Võ Văn Kiệt mới hoàn thành sau này cũng có những đoạn không tránh khỏi ngập do triều cường. Vị cựu cán bộ nói trên cho biết, nếu làm nền đường quá cao thì chi phí đầu tư sẽ đội lên cao, hơn nữa người dân sẽ phản ứng vì sẽ dẫn đến tình trạng đường cao nhà thấp, đồng thời việc kết nối với các tuyến giao thông lân cận cũng khó vì đường mới làm cao hơn đường cũ.
Tại nhiều khu vực trũng thấp ở khu vực nội thành, như khu Văn Thánh Bắc, Q.Bình Thạnh, dù nhiều tuyến đường đã được nâng cao lên rất nhiều, lại có thêm các công trình ngăn triều, vẫn không tránh khỏi ngập vào sáng 7.11 vừa qua. Nhiều khu dân cư ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức cũng bị ngập nặng do không thể cùng lúc ngăn được triều cường và mưa lớn. Nguyên nhân là do những nơi này chỉ có cống ngăn triều mà không có trạm bơm, nên nước mưa không có nơi thoát. Phương án chống ngập ở những nơi bị ảnh hưởng của triều cường, theo người dân, ngoài việc lắp đặt các cống ngăn triều, còn phải có trạm bơm để bơm thoát nước khi xảy ra cùng lúc mưa lớn và triều cường.
TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường, cho rằng: “Sai lầm lớn nhất trong công tác chống ngập của TP.HCM là cho phát triển đô thị về phía nam (Q.7, Hiệp Phước, H.Nhà Bè). Đây là khu vực trũng đóng vai trò như những hồ điều tiết nước cho TP nên khi kênh rạch tự nhiên bị san lấp chắc chắn sẽ khiến TP ngập nặng hơn”. Theo ông, điều này được chứng minh rõ nhất qua đợt triều cường vừa qua gần như toàn bộ đường Lê Văn Lương kéo dài từ Q.7 đến Nhà Bè bị ngập lênh láng, thậm chí một số tuyến đường trong khu vực Phú Mỹ Hưng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Linh, Q.7 cũng bị ngập nặng. Đó là chưa tính đến khả năng kịch bản ảnh hưởng của mực nước biển dâng, bởi dự kiến khoảng năm 2030 TP khi mực nước biển cao thêm 50 cm thì ngập sẽ thê thảm hơn. TS Bá đề nghị chính quyền TP cần khẩn trương cho xây dựng các hồ điều tiết trong phạm vi hợp lý để tích trữ nước khi triều cường dâng cao, mưa lớn.
Chưa biết bao giờ đủ vốn
Trước tình hình triều cường mỗi năm càng tăng cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án có quy mô rất lớn là xây dựng đê bao và cống kiểm soát triều khu vực TP.HCM. Đó là Dự án 1547 - Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng tại TP.HCM, có tổng vốn đầu tư hơn 11.530 tỉ đồng (giai đoạn 1), do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư. Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP, quy mô dự án bao gồm việc xây dựng tuyến đê bao khép kín từ giáp ranh tỉnh Tây Ninh đến địa phận H.Nhà Bè rồi kết thúc tại tỉnh Long An. Chiều dài tuyến đê bao khoảng 176 km kết hợp xây dựng 13 cống kiểm soát triều quy mô lớn cùng hàng trăm cống nhỏ. Tuy nhiên, đến nay dự án mới triển khai được một đoạn cống lớn ở hạ lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều hạng mục còn lại đang giậm chân tại chỗ do thiếu vốn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, cho biết trong khi chờ thực hiện Dự án 1547, giải pháp chống ngập tạm thời hiện nay của TP là đặt 1.200 van ngăn triều tại các cửa xả, 40 trạm bơm công suất 1.000 - 8.000 m3/giờ. Với khả năng hiện có, hệ thống chống ngập do triều cường của TP chỉ chịu nổi các đợt triều cường dưới 1,6 m. Thế nhưng thực tế triều cường ngày càng tăng, từ 1,58 m năm 2011 lên 1,62 m năm 2012 và vừa qua đã thành 1,68 m.
Nếu như tình trạng thiếu vốn cho dự án này kéo dài mãi, không biết đến bao giờ TP.HCM mới hết cảnh lụt lội mỗi khi mưa lớn và triều cường.
Mai Vọng - Đình Mười
>> Vất vả chống ngập
>> Chống ngập phải đồng bộ
>> Chống ngập lại gây ngập
>> Huy động vốn cho dự án chống ngập của TP.HCM
Bình luận (0)