Hành động 'siêu nhanh' để chống siêu bão Hải Yến

09/11/2013 16:10 GMT+7

(TNO) Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp khẩn của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế sáng 9.11 để bàn về cách phòng chống siêu bão Hải Yến đang tiến vào.

* Từ 4 - 10 giờ ngày 10.11, siêu bão Hải Yến vào đất liền

(TNO) Trong buổi họp phòng chống siêu bão Hải Yến (bão số 14), sáng 9.11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB T.Ư) đã đến Thừa Thiên - Huế và thị sát một số vùng xung yếu nằm ven biển đồng thời có cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh.

Hối hả chống siêu bão 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo phòng tránh siêu bão Haiyan tại Thừa Thiên – Huế sáng 9.11 - Ảnh: Ng.Tiến Hùng

Phải “siêu hành động”

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho hay hiện toàn bộ 1.819 tàu thuyền (có 6 tàu tỉnh bạn) đều đã vào bờ neo đậu tránh bão.

Ông Cao cũng cho biết để đối phó với siêu bão Hải Yến (Haiyan, bão số 14), công tác di dời dân, sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn hiện là một trong những việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Công việc này chậm nhất hoàn thành trước 19 giờ đêm nay với số dân phải di dời sơ tán khoảng 29 ngàn hộ, 100 ngàn nhân khẩu.

Hiện toàn bộ học sinh trong tỉnh đều đã được cho nghỉ học. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương cũng như khuyến cáo người dân chuẩn bị lương thực để ứng phó với siêu bão Hải Yến ít nhất trong một tuần.

Ông Cao cho biết tỉnh này vừa hứng chịu những ngày mưa thượng nguồn lớn đã gây ngập lũ ở vùng hạ du, vừa bão vừa lũ nên nhiều khó khăn đang thách thức khiến công tác phòng chống bão lũ hết sức cam go.

Hiện tất cả các lực lượng quân đội, bộ đội biên phòng, công an, y tế… đều đã sẵn sàng ứng phó cả trước, trong và sau bão, lũ.

Hối hả chống siêu bão 2
Người dân vùng ven biển Thuận An (H.Phú Vang) chủ động gia cố nhà cửa sáng 9.11 - Ảnh: Đình Toàn

Hối hả chống siêu bão 3
Do 
mái nhà lợp tôn quá mong manh, người dân chủ động tháo dỡ để đảm bảo an toàn và tránh thiệt hại - Ảnh: Đình Toàn

Hối hả chống siêu bão 4
Dùng dây buộc vào một tảng đá để níu mái nhà - một cách phòng chống bão khá hay của người dân thị trấn Thuận An (H.Phú Vang)  - Ảnh: Đình Toàn

Hối hả chống siêu bão 5
Bà con xóm làng cùng giúp nhau chằng níu nhà cửa - Ảnh: Tiến Hùng

Hối hả chống siêu bão 6
Trước khi siêu bão Hải u đổ bộ  - Ảnh: Đình Toàn

Hối hả chống siêu bão 7
Ngư dân xã Phú Thuận, H.Phú Vang neo buộc tàu thuyền tránh bão trong sáng 9.11  - Ảnh: Đình Toàn

Hối hả chống siêu bão 8
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, dù nhà lớn nhà nhỏ, người dân cần phải kiểm tra nhiều lần về khả năng hứng chịu siêu bão của ngôi nhà để đảm bản an toàn

Hối hả chống siêu bão 9
Gỡ ngay những tấm pano quảng cáo - một việc làm không thừa trước khi siêu bão đổ bộ  - Ảnh: Đình Toàn

Hối hả chống siêu bão 10
Mang tài sản đi tránh siêu bão

Hối hả chống siêu bão 11
Bà Trần Thị Lường (72 tuổi) trèo lên mái nhà gia cố, chằng níu để phòng chống siêu bão Hải Yến

Tại cuộc họp, đại diện Bộ tư lệnh Quân khu 4 cũng khuyến cáo tỉnh Thừa Thiên - Huế hết sức đề phòng vỡ đập, nhất là sau những ngày mưa nguồn lớn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ huy PCLB T.Ư Cao Đức Phát cũng đã khuyến nghị tỉnh nên quyết liệt không để ngư dân sống trên thuyền đò, tốt nhất là đưa hẳn phương tiện tàu thuyền lên bờ để hạn chế hư hỏng khi bão vào.

Phát biểu tại cuộc họp nói trên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng cơn bão số 14 là cơn bão mạnh chưa từng thấy, toàn bộ hệ thống chính trị đều vào cuộc phòng chống bão, làm sao giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Phó thủ tướng đánh giá cao kế hoạch phòng chống bão lũ của Thừa Thiên - Huế, nhưng để nghị tỉnh phải hết sức chủ động, yêu cầu tập trung cao độ hơn trong việc phòng tránh siêu bão.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết dự báo từ 4 giờ sáng, chậm nhất là 10 giờ ngày 10.11, bão vào đất liền, vùng tâm bão là Quảng Ngãi đến Thừa Thiên -Huế.

Ngoài sức gió mạnh chưa từng thấy, siêu bão Hải Yến cũng sẽ làm nước biển dâng cao 4 - 6 mét, sóng có thể cao đến 10 mét vì thế ngoài công tác sơ tán dân, tỉnh cần hết sức đề phòng trong việc neo đậu tàu thuyền, làm sao giảm thiệt hại thấp nhất.

“Đây là cơn siêu bão nên chúng ta phải có những siêu hành động, hành động siêu nhanh để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, thậm chí không thiệt hại về người. Ở Quảng Bình bão cấp 13 - 14 mà hậu quả tàn phá lớn như thế, đây lại là cơn bão mạnh hơn nhiều mà trung ương thì đã có chỉ đạo, để xảy ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm”, Phó thủ tướng nói.

72 tuổi vẫn trèo lên mái nhà

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, người dân tại nhiều vùng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế khá chủ động và cảnh giác cao độ đối với siêu bão số 14.

Dọc các tuyến ven biển, đi đâu cũng gặp cảnh người dân chằng níu nhà cửa. Một số nhà dân tại thị trấn Thuận An đã chủ động tháo dỡ mái nhà lợp tôn của mình đi sang nhà khác trú bão để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn.

Bà Trần Thị Lường (thị trấn Thuận An, H.Phú Vang), dù đã ở tuổi 72 nhưng cũng bắc thang trèo lên mái nhà lợp tôn của mình dùng từng sợi thép nhỏ gia cố mái.

Người dân trong thôn cho biết, bà Lường có một người con trai duy nhất nhưng đang dưỡng bệnh tại nước bạn Lào sau một vụ tai nạn. Bà Lường phải sống đơn độc một mình nhiều năm nay.

Đình Toàn - Tiến Hùng

>> Bão số 14 hướng về đảo Song Tử Tây, gió mạnh lên cấp 12
>> Siêu bão Hải Yến sẽ đi dọc theo các tỉnh Trung bộ
>> Bình Thuận họp khẩn cấp phòng chống bão Hải Yến
>> Hà Nội sẽ mưa lớn, úng ngập đường phố trong siêu bão Hải Yến
>> Siêu bão Hải Yến giật trên cấp 17, di chuyển nhanh
>> Hơn 200 tàu cá chạy về Lý Sơn tránh bão Hải Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.