Căng mình đối phó siêu bão Hải Yến

10/11/2013 12:40 GMT+7

(TNO) Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Hải Yến (tức bão Haiyan, bão số 14), các địa phương khu vực phía bắc đang căng mình thực hiện các biện pháp đối phó với siêu bão.

(TNO) Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Hải Yến (tức bão Haiyan, bão số 14), các địa phương khu vực phía bắc đang căng mình thực hiện các biện pháp đối phó với siêu bão.


Các tàu cá của ngư dân Đồ Sơn đã về nơi neo đậu tránh trú bão - Ảnh: Ngọc Khánh

Hải Phòng: Đưa xuống cao tốc ứng trực ở vùng biển Cát Bà

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Hải Phòng, đến 6 giờ ngày 10.11, Biên phòng Hải Phòng đã thông tin cho 4.166 phương tiện và 12.837 lao động chủ động về nơi trú tránh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên vùng biển Hải Phòng không còn phương tiện hoạt động xa bờ.

Với hoạt động ven bờ, 104 phương tiện cùng 403 lao động ở khu vực ven cửa sông Lạch Huyện, cửa sông Thái Bình (H.Tiên Lãng), đảo Dáu (Đồ Sơn), chậm nhất 15 giờ sẽ về đến bến.

Hải Phòng cũng đã lên sẵn phương án di dời tại chỗ hoặc sơ tán dân cư trong những trường hợp cần thiết. Theo phương án này, khoảng 80.000 dân cư ở các khu vực ven biển, vùng trũng có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn của bão số 14 sẽ phải di dời.

Hải Phòng cũng đã sẵn sàng huy động khoảng 7.500 chiến sĩ bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố và bộ đội biên phòng cùng với hơn 160 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp… để tham gia giúp dân chống bão.

Đáng chú ý, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã điều xuồng cao tốc ST112 ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà. Được biết xuồng cao tốc ST112 là loại xuồng hiện đại, có kết cấu vỏ bằng nhôm hợp kim panel, công suất 1.000 CV, tốc độ 23-25 hải lý/giờ; hoạt động tốt trong điều kiện sóng to, gió lớn nên có thể thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Từ 15 giờ ngày 10.11, Hải Phòng sẽ đình chỉ (cấm biển) các hoạt động vận tải đường thủy nội địa (chở khách và hàng hóa), phà đò, hoạt động vui chơi giải trí biển.

Quảng Ninh: Cấm biển từ 7 giờ ngày 10.11

Là một trong những địa phương được dự báo là nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão Hải Yến, từ chiều 9.11, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành công điện khẩn đối phó với siêu bão.

Theo đó, từ 7 giờ sáng nay, 10.11, Quảng Ninh nghiêm cấm các loại tàu, thuyền, phương tiện thủy ra khơi; đồng thời khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Theo đó, gần 500 tàu du lịch và 185 tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Ninh đã về nơi neo đậu.

Công tác gia cố, chằng chống các lồng bè thủy hải sản trên biển cũng đã được các ngành chức năng Quảng Ninh khẩn trương quán triệt và vận động.

Mặc dù không có kế hoạch sơ tán toàn bộ dân chài lên bờ, nhưng với một số khu vực lồng, nhà bè đón gió nằm trên vịnh Hạ Long thuộc địa bàn Hạ Long và Cẩm Phả, tính đến 12 giờ trưa nay 10.11, chính quyền địa phương đã kiên quyết thực hiện vận động và bắt buộc các dân chài phải sơ tán, di dời lên bờ; không để trường hợp người còn ở lại trên lồng, nhà bè trông coi tài sản.

Thái Bình: Kiên quyết di dời dân


Nhiều tàu thuyền của Thái Bình đã neo đậu an toàn ở khu vực tránh trú - Ảnh: Hoàng Long

Ban chỉ đạo Phòng chống bão lụt Thái Bình yêu cầu di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn trước 15 giờ ngày 10.11.

Theo thống kê, hiện nay vẫn còn hơn 1.600 hộ dân với 6.334 nhân khẩu sống ở ngoài đê chính thuộc khu vực hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy vẫn chưa di dời vào khu vực trong đê. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trực tiếp xuống hai huyện này tiếp tục tuyên truyền, vận động di dời người dân đến khu vực an toàn.

Với hoạt động của tàu thuyền trên biển, ngay từ trưa 9.11, tỉnh Thái Bình đã có lệnh cấm biển. Thống kê cho thấy hiện chỉ còn 51 phương tiện tàu thuyền với 636 lao động đang hoạt động tại khu vực ven biển Thái Bình, 17 phương tiện đang hoạt động tại khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Hơn 1.130 phương tiện đã neo đậu tại các bến trong tỉnh.

Tỉnh Thái Bình cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động lao động ở trên các chòi canh ngao ven biển (hơn 1.500 chòi canh, trên 2.000 lao động) và ngoài biển (1.706 chòi canh, hơn 1.800 lao động) di dời vào trong đê chính để bảo đảm an toàn.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ không để bất cứ người dân nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ vào.


Các khu đê kè xung yếu, đang thi công của tỉnh Thái Bình được khẩn trương gia cố để đón bão - Ảnh: Hoàng Long

Hà Tĩnh: Di dời hơn 40 ngàn nhân khẩu

Sáng 10.11, chính quyền và người dân Hà Tĩnh đang gồng mình, khẩn trương đối phó với siêu bão Hải Yến đang đến gần.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, hiện tỉnh này đã sơ tán được 13.673 hộ dân với 40.740 nhân khẩu.

Trong đó H.Nghi Xuân là 715 hộ (1.440 người); H.Lộc Hà là 2.333 hộ (4.060 người); H.Thạch Hà là 693 hộ (2.310 người); H.Cẩm Xuyên là 1.959 hộ (6.828 người); H.Kỳ Anh là 6.039 hộ (18.489 người); TP.Hà Tĩnh 88 hộ (298 người); H.Hương Sơn là 542 hộ (1.967 người); H.Hương Khê là 678 hộ (3.168 người); H.Vũ Quang là 75 hộ (352 người)…

Ngoài ra tất cả 3.904 tàu thuyền với 14.175 lao động làm nghề đánh bắt trên các vùng biển cũng đã vào bờ trú ẩn an toàn.


Vận chuyển đồ đạc tới điểm an toàn, tránh bão - Ảnh: Nguyên Dũng


Tàu thuyền đã vào bờ neo đậu - Ảnh: Nguyên Dũng

 

Bích Ngọc - Hoàng Long - Nguyên Dũng

>> 22 giờ tối nay, siêu bão Hải Yến vào tới vùng biển Thanh Hóa - Hải Phòng
>> Siêu bão Hải Yến: Thanh Hóa hỏa tốc sơ tán gần 45.000 dân ven biển
>> Siêu bão Hải Yến: Nhiều người tử vong khi... ứng phó siêu bão
>> Video: Philippines hoang tàn sau siêu bão Hải Yến
>> Siêu bão Hải Yến: Thủy điện đồng loạt xả lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.