Nhu cầu nhà ở xã hội chưa được đáp ứng đủ

10/11/2013 12:30 GMT+7

* Khó giảm thêm lãi suất (TNO) Nhu cầu nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn chưa được đáp ứng đủ, trong khi lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội khó có thể giảm thêm.

(TNO) Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Nhà ở xã hội - Cung và cầu” do HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức vào sáng 10.11:  Nhu cầu nhà ở xã hội chưa được đáp ứng đủ. 

>> Ì ạch nhà ở xã hội
>> Đề nghị tăng thời gian cho vay mua nhà ở xã hội

 

 

 


Chung cư Đông Hưng, một dự án nhà ở xã hội của TP.HCM đã hoàn thành ở quận 12 - Ảnh: Diệp Đức Minh
 

Cầu lớn, cung nhỏ giọt

Theo bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, TP.HCM là một đô thị lớn, dân số đông nhất nước với khoảng 10 triệu dân. Trong số khoảng 150.000 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương trực tiếp từ ngân sách, có khoảng 30.000 người có nhu cầu về nhà ở.

Ngoài ra, hàng chục ngàn công nhân, người lao động cũng có nhu cầu về nhà ở xã hội. “Đây là nhu cầu có thực và rất lớn”, bà Ánh nhìn nhận.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ khi luật Nhà ở có hiệu lực thi hành đến nay, thành phố đã chấp thuận đầu tư 26 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích đất 86,7 ha với khoảng 22.950 căn nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố xây dựng hoàn thành, với quy mô 294 căn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết mỗi năm trên địa bàn TP.HCM có thêm 50.000 cặp vợ chồng kết hôn mới. Theo đó, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng thành phố chưa đáp ứng đủ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, “chưa thấy người lao động tham gia chương trình này”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của công nhân, người lao động.

 
Một tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 5 - 6 triệu đồng cũng gây ra khó khăn cho người lao động mua nhà có thu nhập thấp
Nguyễn Trần Phượng Trân - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

Ông Đình Khắc Huy, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, đồng tình với ý kiến nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn. Điển hình là ở Tân Bình có một dự án dành ra 147 căn nhà ở xã hội. Hiện số 147 hồ sơ đã được phê duyệt nhưng hồ sơ gửi về vẫn tăng cao.

“Khó khăn là người mua nhà còn thiếu thông tin. Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Theo phản ánh thì mức lãi suất 6%/năm như quy định vẫn còn cao”, ông Huy nói.

Kiến nghị ưu đãi lãi suất

Lý giải thực tế nhà ở xã hội có nhu cầu lớn nhưng cung nhỏ giọt, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn; doanh nghiệp chưa được tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi của nhà nước.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Danh, vốn ngân sách đầu tư nhà ở xã hội rất khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp lợi nhuận thấp khi đầu tư nhà ở xã hội, khó khăn trong giải phóng mặt bằng…

 
Quy định chất lượng nhà ở xã hội hay thương mại đều như nhau và đều được kiểm định chặt chẽ
Ông Nguyễn Văn Danh - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Trong một nỗ lực giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, UBND TP.HCM kiến nghị cần có cơ chế ưu đãi lãi suất cho người dân mua nhà ở thương mại.

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị đối với căn hộ (thuộc dự án nhà ở thương mại) có diện tích lớn hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thì cần giải quyết theo hướng:

Đối với phần diện tích dưới 70 m2 trở xuống thì được xem xét cho vay ưu đãi với phương thức và lãi vay tương tự như gói 30.000 tỉ đồng; đối với phần diện tích dôi dư còn lại của căn hộ thì không được Ngân hàng nhà nước hỗ trợ lãi vay.

TP.HCM cũng kiến nghị có thể cho vay ưu đãi theo phương thức và lãi vay của gói 30.000 tỉ đồng cho loại nhà có diện tích lớn hơn 70 m2 này, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nếu người dân lần đầu tiên tạo lập nhà ở của mình.

Khó giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội?

Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho hay gói hỗ trợ lãi suất nhà ở xã hội là gói hỗ trợ quy mô nhất và dài nhất từ trước tới nay.

 
Rất khó giảm mức lãi suất 6%/năm như đề nghị của người mua vì khi đặt ra mức lãi suất này Ngân hàng Nhà nước đã có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ
Ông Trần Đình Cường - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Theo ông Cường, thời  hạn cho vay 10 năm chỉ là thời gian hỗ trợ lãi suất còn thời hạn cho vay có thể kéo dài lên 15 năm. Trên thực tế có ngân hàng đã có vay trong khoảng thời gian 15 năm.

Liên quan đến mức lãi suất từ năm 11 trở đi nếu vay trong 15 năm, ông Cường cho hay từ thời điểm này lãi suất không phải là khó khăn quá lớn của người mua vì lúc này dư nợ giảm khiến lãi suất giảm theo và thu nhập của người mua lúc này cũng đã tăng lên.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, đại diện Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) cho biết từ năm 11 trở đi, bản thân các ngân hàng cho vay cũng sẽ có sự tính toán về lãi suất và phí cho vay xuống mức thấp nhất nhằm hỗ trợ người mua.

Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho hay theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, hiện sở này đang tiến hành rà soát hơn 100 khu đất đang được đầu tư không hiệu quả.

“Sau thời gian rà soát, những khu đất không hiệu quả sẽ chuyển sang mục đích thông qua đấu giá. Một số khu đất cũng sẽ được dành ra xây dựng nhà ở xã hội. Kết quả rà soát sẽ được báo cáo cho UBND TP vào đầu quý 1.2014”, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM nói.

Đình Phú - Trung Hiếu

>> Yêu cầu đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục cho người mua nhà xã hội
>> Hai doanh nghiệp đầu tiên được vay 650 tỉ xây nhà xã hội
>> “Rối” nhà xã hội cho thuê
>> Cử tri bức xúc về tham nhũng, khó mua nhà xã hội...
>> Nhà xã hội giá dưới 10 triệu đồng/m2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.