|
Thiếu mà thừa
Đến khu lưu trú Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1), chúng tôi khá bất ngờ về điều kiện tiện nghi cho công nhân quá tốt. Ngoài phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, tại đây còn có phòng đọc sách, karaoke, phòng tập thể dục thẩm mỹ, khu vực tư vấn sức khỏe, tâm sinh lý cho công nhân… Tất cả đều miễn phí (điện nước đóng chỉ 20.000 đồng/tháng). Tuy vậy, dù số công nhân tại công ty này là 4.500 người, khu lưu trú có sức chứa đến 2.220 người nhưng hiện nay chỉ lấp đầy khoảng…1/3.
Cùng cảnh ngộ là khu lưu trú miễn phí cho 1.012/1.700 công nhân Công ty TNHH Hungway (KCX Tân Thuận, Q.7). Dãy nhà khu B với 80 phòng chỉ kín 50 phòng (khoảng 300 người). Nguyên dãy nhà khu A 100 phòng (sức chứa 600 người) hiện đang… quây rào lại vì không có người ở. Cạnh đó, khu lưu trú Công ty TNHH công nghiệp Đức Bổn có 86 phòng (448 chỗ), tổng đầu tư khoảng 30 tỉ đồng nhưng số người vào ở cũng chỉ lác đác.
Vì các khu lưu trú này xây dựng để phục vụ riêng công nhân công ty, nên người ngoài không được phép ở chung, ngay cả người thân. Điều này khiến công nhân của chính công ty từ chối.
|
Nguyễn Thị Lê Thuy dù làm cho Công ty Nissei nhưng phải thuê phòng trọ gần cầu Bình Triệu, khá xa công ty với giá 1,1 triệu đồng/tháng vì cô ở chung với người chị (làm khác công ty). Chưa kể, khoảng 900 nữ công nhân ở công ty này có gia đình cũng đành ngậm ngùi thuê nhà trọ vì không đáp ứng được quy định trên. “Dù biết vào sống khu lưu trú của công ty sướng thiệt, nhưng chúng tôi còn có chồng con. Chẳng lẽ vì vậy mà gia đình phân tán? Phải chi công ty đồng ý cho vợ chồng con cái ở chung với nhau, có thu tiền cũng được, thì đỡ biết mấy”, một chị than.
Bên cạnh đó, quy định không cho nấu nướng, không tiếp bạn bè tại phòng cũng là những nguyên nhân khiến khu lưu trú bị ế. Bạn bè, người thân đến chơi chỉ được gặp nhau ở phòng sinh hoạt chung tại sảnh, không được trễ quá 22 giờ. “Lương công nhân nếu không tăng ca, chỉ trên dưới 3 triệu/tháng, lại còn phải gửi tiền về quê. Không được nấu nướng, phải đi ăn ở ngoài 15.000 - 20.000 đồng/bữa, làm sao chịu tiền cho thấu”, Ngô Thị Trà, công nhân Công ty Hungway, nói.
Tiếp tục chờ…
Giải thích về quy định không cho phép bạn bè, người thân lên phòng chơi, ông Nguyễn Văn Tiến, quản lý khu lưu trú Công ty Hungway, cho biết phòng có 6 người ở chung, để người lạ vào, rất khó quản lý việc mất mát đồ đạc.
Đối với việc nấu nướng, ông Dương Huy Khôi, trợ lý trưởng bộ phận Tổng vụ Công ty Nissei, cho biết theo quy định về an toàn cháy nổ, công nhân sống tại đây không được nấu, nướng. “Tuy vậy, công ty đang kế hoạch bố trí khu nấu nướng riêng ở từng dãy nhà để công nhân có thể tự nấu ăn, dự kiến sau tết sẽ hoàn thành”, ông nói.
Riêng với nguyện vọng của phần đông công nhân là để người thân, vợ chồng làm khác công ty được ở chung (có thể thu phí), các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được một hướng giải quyết thích hợp. “Đồng ý để người thân làm ngoài công ty ở chung, lỡ có lúc nhu cầu ở khu lưu trú của công nhân công ty tăng lên thì sao? Đó là chưa kể việc khó khăn trong quản lý khi có nhiều đối tượng ở chung như thế”, ông Khôi cho biết.
Nguyễn Tập
>> Nhu cầu nhà ở xã hội chưa được đáp ứng đủ
>> Hỗ trợ nhà ở cho 204 người có công
>> Nhà ở xã hội 310 triệu đồng
>> Ì ạch nhà ở xã hội
Bình luận (0)