|
Trả lời phỏng vấn tờ Il Fatto ngày 13.11, thẩm phán Nicola Gratteri ở vùng Calabria thuộc miền nam nước Ý nhận định: “Giáo hoàng Francis gây cản trở cho các tổ chức mafia Ý. Nếu có thể, các bố già sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn ông ấy. Đức Thánh cha sẽ gặp nguy hiểm”. Ông Gratteri rất nổi tiếng về chống mafia và từ năm 1989 phải sống trong sự bảo vệ 24/24 của cảnh sát. Vì nhiều nguyên nhân, vị thẩm phán này luôn tỏ ra kín đáo. Do đó, việc đích thân ông Gratteri lên tiếng cảnh báo thật sự làm lực lượng an ninh của Vatican “toát mồ hôi lạnh”.
Bên cạnh đó, Giáo hoàng Francis lại là người cởi mở, gần gũi, luôn mở rộng vòng tay đón tiếp giáo dân và không chịu dùng xe có lồng chống đạn. Sau buổi lễ vào thứ tư hằng tuần, người đứng đầu Giáo hội Công giáo thường trực tiếp bắt tay với hàng trăm giáo dân. Chính vì vậy, Giáo hoàng Francis dễ tiếp cận hơn so với những người tiền nhiệm, kể cả Giáo hoàng John Paul II, vốn từng bị kẻ quá khích người Thổ Nhĩ Kỳ tên Mehmet Ali Agca bắn bị thương vào ngày 13.5.1981.
Động đến “vùng cấm”
Theo thẩm phán Gratteri, quyết tâm cải tổ Viện Giáo vụ (IOR, thường được gọi là Ngân hàng Vatican) là nguyên nhân chính khiến Giáo hoàng Francis trở thành cái gai trong mắt mafia Ý. Hồi tháng 6, giáo hoàng thông báo thành lập một ủy ban chuyên trách thẩm tra lại hoạt động của ngân hàng này. Đến đầu tháng 10, lần đầu tiên sau hơn 125 năm thành lập, IOR đăng tải công khai báo cáo hoạt động. Theo Đài Radio Vaticana, bản báo cáo dài hơn 100 trang nêu chi tiết hoạt động của năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, bao gồm đánh giá của Ban quản trị và Ủy ban Hồng y cùng nhiều thông tin về tình hình tài chính.
Thành lập vào năm 1887, IOR được Giáo hoàng Pius XII cải tổ toàn diện vào năm 1942 với nhiệm vụ chính là quản lý tài sản và hoạt động tài chính của tòa thánh. Với nguyên tắc hoạt động bị chỉ trích là quá “kín kẽ” và thiếu minh bạch, cơ quan này từng chịu nhiều tai tiếng và thật sự là “góc khuất của Vatican” từ nhiều năm qua, theo tờ Le Figaro.
Bê bối rửa tiền
Cách đây hơn 3 thập niên, vụ bê bối liên quan đến Ngân hàng Banco Ambrosiano ở Milan, vốn có cổ đông chính là IOR, đã cho thấy mối quan hệ giữa ngân hàng của Vatican với “những kẻ có mùi mafia”. Ngày 18.6.1982, Chủ tịch Banco Ambrosiano Roberto Calvi được phát hiện treo cổ tự tử dưới một cây cầu ở London. Ông Calvi bị nghi ngờ rửa tiền cho tổ chức mafia Cosa Nostra và dính líu đến hoạt động của chi hội Tam điểm Propaganda Due (còn gọi là P2), một lực lượng cực hữu của Ý. Nhiều năm sau cái chết đầy nghi vấn của ông Calvi, một số thành viên mafia hoàn lương đã khai rằng các “bố già” tổ chức rửa tiền thông qua IOR.
Từ năm 2009, tòa án Ý đã mở nhiều cuộc điều tra về IOR. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc nhiều lãnh đạo ngân hàng này bị cáo buộc bí mật chuyển giao 23 triệu euro từ một tài khoản của IOR qua 2 ngân hàng của Ý. Các thẩm phán và giới chức của Ngân hàng Trung ương Ý nghi ngờ từng có nhiều đợt rửa tiền tại đây. Tháng 5.2012, Giám đốc IOR Ettore Gotti Tedeschi chính thức bị Vatican sa thải vì “không chu toàn được các trọng trách”. Trong các cuộc họp trước khi diễn ra mật nghị bầu chọn giáo hoàng hồi tháng 3, nhiều hồng y yêu cầu Vatican giải thích rõ hơn về quyết định sa thải nói trên. Hồng y người Nigeria John Onaiyekan phát biểu trên kênh truyền hình La7: “Tôi không biết trước đây Thánh Peter có ngân hàng hay không nhưng rõ ràng IOR không thuộc về những giá trị nền tảng, tinh thần hay giáo lý của Công giáo”.
Chính vì vậy, trước khi thẩm phán Gratteri lên tiếng báo động, nhiều chuyên gia đã cho rằng Giáo hoàng Francis có thể gặp nguy hiểm nếu muốn giải quyết triệt để vấn đề nhạy cảm trên. Trả lời báo Le Journal du Dimanche, chuyên gia lịch sử tôn giáo Frédéric Lenoir nhận định hồi tháng 7: “Tính mạng của giáo hoàng có thể bị đe dọa. Thế lực ngầm không từ thủ đoạn gì để ngăn cản kế hoạch cải cách có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Đến nay, việc Giáo hoàng John-Paul I đột tử ngày 28.9.1978, chỉ 33 ngày sau khi được bầu chọn vẫn còn để lại rất nhiều nghi vấn. Chỉ vài ngày trước khi qua đời, Giáo hoàng John-Paul I cũng khẳng định sẽ cải tổ IOR”.
An ninh của Giáo hoàng Giáo hoàng là yếu nhân được bảo vệ nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Bảo đảm an ninh vòng trong cho giáo hoàng thuộc trách nhiệm của hơn 100 vệ binh Thụy Sĩ. Lực lượng an ninh truyền thống của Vatican tinh thông tất cả các loại vũ khí, từ thô sơ tới phức tạp, và nắm rõ các kỹ năng chống khủng bố. Ngoài ra, còn có khoảng 100 cảnh sát Vatican cùng 140 cảnh sát Ý bảo vệ an ninh vòng ngoài cho người lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Những lần tiếp xúc với các tín hữu, giáo hoàng sẽ đi trên xe được bọc thép, có kính chống đạn và những người muốn tham gia các lễ thuyết giảng hằng tuần phải đi qua máy dò kim loại. Danh Toại |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Mafia Ý muốn ám sát Giáo hoàng Francis?
>> Giáo hoàng Francis được bầu là “Người đàn ông của năm”
>> Giáo hoàng Francis: “Tôi chưa từng muốn trở thành giáo hoàng”
>> Giáo hoàng Francis từ chối sống trong dinh thự
>> Giáo hoàng Francis nhậm chức
>> Những hình ảnh lễ đăng quang của Giáo hoàng Francis
>> Triều đại Giáo hoàng Francis chính thức khởi đầu
>> Năm điều cần biết về Giáo hoàng Francis
>> Giáo hoàng Francis - Tấm gương khiêm nhường
Bình luận (0)