Thời trang Việt mạnh ai nấy làm

15/11/2013 03:15 GMT+7

Không có định hướng, hỗ trợ từ phía nhà nước, thời trang Việt Nam giờ mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bơi. Trong khi dòng chảy thời trang ngoại lại quá mạnh, quá xiết.

Các cuộc thi thiết kế thời trang trong một số chương trình truyền hình thực tế hiện nay chỉ mang tính giải trí là chính - Ảnh: Độc Lập
Các cuộc thi thiết kế thời trang trong một số chương trình truyền hình thực tế hiện nay chỉ mang tính giải trí là chính - Ảnh: Độc Lập 

Sợ mất tiếng nếu không được giải

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL), đã cân nhắc rất lâu trước khi gửi thư cho các nhà thiết kế (NTK) thời trang. Trong đó, ông kêu gọi họ hãy đem tài năng của mình để cùng thiết kế bộ lễ phục - bộ quần áo sẽ được mặc trong các nghi lễ ngoại giao, nghi lễ quốc gia. Nhưng đáp lại, thiết kế gửi tới hầu như không phải của các NTK đã thành danh. NTK Minh Hạnh, người từng là Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Việt Nam (Fadin), cho rằng lời chào cao hơn mâm cỗ. Chính việc gắn mác thi cử đã khiến giới làm nghề ngại tham gia. Họ sợ mất tiếng nếu không được giải.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, sự thờ ơ này cho thấy liên kết lỏng lẻo giữa cơ quan quản lý nhà nước với giới làm thời trang trong nước. Trong khi thời trang là một ngành mỹ thuật công nghiệp, thì đơn vị quản lý lại không đủ uy tín để kéo họ vào cuộc chơi tầm quốc gia. Mặt khác, các cuộc thi thiết kế thời trang trong một số chương trình truyền hình thực tế hiện nay chỉ mang tính giải trí là chính, khó thúc đẩy ngành thời trang phát triển bởi còn đơn lẻ, mang tính cá nhân mà thiếu sự gắn kết của một ngành công nghiệp thật sự.

Cạnh tranh như thế thì chết

So sánh chương trình học của Đại học (ĐH) Mỹ thuật công nghiệp với Học viện Thời trang London, cùng ở Hà Nội, sẽ thấy sự khác nhau quá xa giữa định hướng nhà nước và thị trường trong ngành. Nếu chương trình “công” (ĐH Mỹ thuật công nghiệp) ít thay đổi, thì chương trình “tư” (Học viện Thời trang London) rất thực tế, bám chắc vào thời sự thời trang trên thế giới. Nghề thời trang cũng được đào tạo cụ thể tới từng hạng mục.

“Suốt thời gian học ở trong nước, tôi luôn tủi thân vì vẽ kém kinh khủng. Đến nỗi, tôi nghĩ mình học dốt và rất sợ giờ học vẽ. Khi tôi sang Anh, ông giáo sư đã kiểm tra kỹ năng, rồi nói: “Anh sẽ ngạc nhiên nếu tôi chỉ định anh làm giáo viên dạy vẽ”. Mọi người thường bị quan điểm sai lấn át, rằng thời trang phải vẽ thật đẹp mà quên rằng thời trang luôn phải vận hành chứ không thể dừng lại”, NTK Tôn Hiếu Anh, giảng viên Học viện Thời trang London nói.

Nhưng được học trong Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp như Tôn Hiếu Anh đã là tốt. Nhiều NTK tuy có mắt thẩm mỹ tốt nhưng không có phương pháp tư duy, còn đưa ra những mẫu vẽ phản văn hóa. Sinh viên theo học ĐH này luôn luôn được giảng về mẫu thiết kế trên chất liệu dân tộc của một NTK nổi danh. Theo đó, NTK này đã dùng một mẫu hoa văn chỉ dùng trong tang lễ vào trang phục dạ hội.

Việc tự bơi của thời trang Việt không chỉ ở làm nghề, đào tạo mà còn trong chính sách bảo hộ, quản lý thị trường. Cũng theo ông Hiếu Anh, thị trường thời trang ngập hàng Quảng Châu (Trung Quốc) đang giết dần thiết kế Việt Nam. “Điều làm cho tất cả mọi người thất bại thảm hại hoặc muốn bỏ nghề là thế. Thị trường thời trang Việt Nam đang bán hàng Quảng Châu, người người mở, nhà nhà mở. Thế thì NTK làm sao mà sống được. Cạnh tranh như thế thì chết”, NTK này nói.

“Thời trang Hàn Quốc nóng được thế này là do chính sách của nhà nước họ. Họ có chính sách vận động sử dụng hàng trong nước. Họ cũng có chính sách để đưa văn hóa, đưa thời trang bay xa qua các tiếp thị văn hóa”, ông Hiếu Anh cho biết.

Thiết kế tóc phát triển “tứ tung”

Không chỉ trang phục, ngay cả các thiết kế về tóc cũng đang phát triển “tứ tung”. Đa phần các NTK tóc trong nước chỉ dừng lại ở việc bắt chước các mẫu tóc từ nước ngoài mà chưa sáng tạo ra mẫu mới hợp khuynh hướng thời trang thế giới. Cho tới giờ, việc đào tạo NTK tóc bài bản trong nước hiện lại “rơi” vào thương hiệu nước ngoài. Họ có giám đốc đào tạo riêng, với chương trình giảng dạy luôn được cập nhật hằng năm. “Năm nay, chúng tôi sẽ đưa 3 xu hướng tóc mới từ London vào chương trình giáo dục cho mùa tóc 2014”, NTK Hoàng Minh Tâm, Giám đốc đào tạo của Davines nói.

Trinh Nguyễn

>> Julia Lescova nổi bật trên sàn diễn thời trang Việt
>> Hội chợ thời trang Việt Nam 2012
>> Khởi động Tuần lễ thời trang Việt 2011
>> Người mẫu nước ngoài trên sàn diễn thời trang Việt - Kỳ 7: Nghiêm túc, chuyên nghiệp
>> Người mẫu nước ngoài trên sàn diễn thời trang Việt - Kỳ 5: Cô gái đến từ Thụy Điển
>> Lặng lẽ thời trang Việt
>> Đêm thời trang Việt
>> Thời trang Việt lên fTV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.