Cơ chế để phát triển du lịch bền vững

18/11/2013 09:58 GMT+7

Tại Đà Nẵng vừa diễn ra hội nghị về Chính sách du lịch có trách nhiệm, do Liên minh châu Âu tài trợ, trị giá 11 triệu Euro (Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu Euro), triển khai trong giai đoạn 2011-2015.

10 tháng đầu năm 2013, hơn 6,12 triệu du khách quốc tế đã đến Việt Nam - Ảnh:  D.H

10 tháng đầu năm 2013, hơn 6,12 triệu du khách quốc tế đã đến Việt Nam - Ảnh:  D.H

Tăng trưởng mạnh mẽ

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch (Bộ VH-TT-DL) chia sẻ, tính đến tháng 10.2013, khách quốc tế đến Việt Nam là 6,12 triệu lượt. Và với tốc độ hiện nay, năm 2013, sẽ đạt 7,4 triệu lượt khách quốc tế, và tổng doanh thu ngành du lịch là 195.000 tỉ đồng. Sau 4 năm phục hồi suy thoái, đến nay, lượng khách đến Việt Nam đã tăng gấp đôi, tổng thu du lịch tăng 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể như hiện nay, thì chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã cán đích trước 2 năm. “Đây được xem là bước tăng trưởng ngoạn mục trong lịch sử ngành du lịch”, ông Tuấn nhấn mạnh. Sự phát triển của ngành du lịch còn thể hiện qua hệ thống vật chất kỹ thuật, nhân lực du lịch. Đến nay đã có 14.200 cơ sở lưu trú với 320.000 buồng, trong đó khách sạn 3-5 sao đạt 34%, trên 1.250 doanh nghiệp lữ hành. Rất nhiều khách sạn, resort 4-5 sao xuất hiện góp phần nâng cao vị thế ngành du lịch Việt Nam, thay đổi căn bản với những tín hiệu tích cực. Lực lượng ngành du lịch cũng tăng mạnh, với 570.00 lao động trực tiếp, trong tổng số 1,8 triệu lao động; tỉ lệ lao động du lịch đã qua đào tạo ngày càng cao. Mục tiêu năm 2020, du lịch cơ bản trở thành nền kinh tế mũi nhọn, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. “Dù vậy, sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam được dự báo trước những tác động tiêu cực, và thách thức cần vượt qua. Yêu cầu đặt ra là cần có chính sách du lịch có trách nhiệm về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường để điều tiết, cân đối trong quá trình tăng trưởng”, ông Tuấn khẳng định.

Du lịch trách nhiệm

“Ngành du lịch Việt Nam cần được hỗ trợ bởi chính sách rõ ràng, toàn diện, nhằm đưa ra phương hướng và hỗ trợ ngành hoạt động hiệu quả, với đặc điểm là sự điều phối hiệu quả các đối tác, dẫn đến nâng cao khả năng cạnh tranh, tính bền vững và sức mạnh chung của ngành”, ông Kai Partale (chuyên gia dự án EU) nói về chính sách du lịch trách nhiệm. Cũng theo ông Kai Partale, 6 trụ cột của khung chính sách du lịch có trách nhiệm là: Đạt được năng lực cạnh tranh bền vững; Tạo ra ngành du lịch năng động và hiệu suất; Bảo tồn và nâng cao các nguồn lực tự nhiên và văn hóa; Đầu tư vào các nguồn tài chính nhân lực; Mở rộng kiến thức và hiểu biết; Phát triển kinh tế-xã hội rộng rãi.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam góp ý, hiện nay, những chính sách cần thiết triển khai để phát triển nhanh kinh tế du lịch bền vững, đó là việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước; Có quy định tách bạch các dự án bất động sản và dự án khách sạn, resort, khi thẩm định có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; Nhà nước cần ban hành các quy định về du lịch có trách nhiệm với các cơ sở dịch vụ, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch… “Với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam hiện nay, việc thảo luận khung chính sách đối với du lịch có trách nhiệm là hết sức cấp thiết. Du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam sẽ mở ra những thị trường cao cấp, gia tăng trải nghiệm của du khách và sự hài lòng của họ”, ông Tuấn khẳng định.

Diệu Hiền 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.