Tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa của NASA cất cánh

19/11/2013 08:50 GMT+7

(TNO) Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào hôm 18.11 đã phóng tàu thăm dò không người lái Maven đến nghiên cứu bầu khí quyển của sao Hỏa nhằm giải thích nguyên nhân vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.

(TNO) Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào hôm 18.11 đã phóng tàu thăm dò không người lái Maven đến nghiên cứu bầu khí quyển của sao Hỏa nhằm giải thích nguyên nhân vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.


Tàu thăm dò Maven được đặt trên tên lửa đẩy Atlas V 401 rời bệ phóng tại Căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida (Mỹ) - Ảnh: AFP

Theo AFP, tên lửa đẩy được sơn màu trắng Atlas V 401 mang theo tàu Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa, rời bệ phóng tại Căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida (Mỹ) đúng kế hoạch vào lúc 13 giờ 28 phút ngày 18.11 (giờ địa phương, tức 1 giờ 28 phút rạng sáng 19.11 theo giờ Việt Nam).

NASA cho biết, "tất cả mọi thứ đều tốt đẹp", và con tàu trị giá 671 triệu USD này đã bắt đầu hành trình xuyên không gian kéo dài 10 tháng để bay đến hành tinh đỏ.

Theo dự kiến, tàu Maven vào quỹ đạo sao Hỏa ngày 22.9.2014, và bắt đầu khởi động các nhiệm vụ khoa học hai tháng sau đó.

Khác với các sứ mệnh trước đây của NASA, tàu thăm dò Maven lần này không nhắm vào bề mặt khô khan của hành tinh đỏ, mà tìm hiểu những bí ẩn ở thượng tầng khí quyển chưa từng được nghiên cứu.

Tàu Maven sẽ bay quanh hành tinh đỏ ở độ cao 6.000 km và nó sẽ có năm lần hạ xuống thấp với khoảng cách chỉ 125 km so với bề mặt sao Hỏa, để có thể nghiên cứu bầu khí quyển ở những vị trí khác nhau.

Theo AFP, con tàu hình vuông nặng 2.453 kg với mỗi cạnh dài 2,5 mét này sẽ tiết lộ nguyên nhân vì sao bầu khí quyển sao Hỏa trở nên quá lạnh và mỏng để có thể hỗ trợ cho sự tồn tại của nước ở dạng lỏng.


Tàu Maven sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến cho sao Hỏa mất khí quyển - Ảnh: NASA

Vào đầu tháng 11 qua, một sứ mệnh khám phá sao Hỏa khác cũng được thực hiện với việc tàu Mars Orbiter Mission được Ấn Độ phóng lên vũ trụ với nhiệm vụ dò tìm sự hiện diện của khí methane để chứng minh sự tồn tại của một số dạng sống cổ.

Tàu Mars Orbiter Mission sẽ đến quỹ đạo sao Hỏa trễ hơn tàu Maven hai ngày. Hiện nó đã lên được quỹ đạo 100.000 km cách bề mặt trái đất, để chuẩn bị vào ngày 1.12 tới thoát ra được ảnh hưởng của lực hấp dẫn của trái đất để thẳng hướng hành tinh đỏ.

Được biết, Maven là một phần của chương trình đầy tham vọng, bao gồm nhiều tàu thăm dò và xe tự hành được phóng tới sao Hỏa để thu thập dữ liệu, nhằm dọn đường cho sứ mệnh đưa người bay đến hành tinh này sẽ diễn ra vào những năm 2030, NASA cho biết.

Tiến Dũng
(Video: Reuters)

>> Tàu thăm dò sao Hỏa của NASA sắp cất cánh
>> NASA sắp phóng tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ lên quỹ đạo 100.000 km
>> Ấn Độ 'lên tinh thần' cho sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa
>> Siêu núi lửa cổ đại trên sao Hỏa
>> Ấn Độ dời ngày phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> Nga sẽ phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng sao Hỏa
>> Thử nghiệm xe tự hành sao Hỏa
>> Đất bề mặt sao Hỏa có chứa nước
>> Ấn Độ sắp phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> Dần tắt hy vọng tìm thấy sự sống trên sao Hỏa
>> Hơn 200.000 người muốn định cư trên sao Hỏa
>> NASA nghiên cứu bí ẩn khí quyển sao Hỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.