Tội phạm buôn người - Kỳ 3: Kiếm 32 tỉ USD mỗi năm

20/11/2013 09:00 GMT+7

Những con số tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người tại các địa phương trọng điểm phía nam” do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức tháng 10.2013 vừa qua cho thấy bọn tội phạm mua bán người đã thu lợi mỗi năm hàng tỉ USD.

 Buôn bán người
Một đường dây tội phạm mua bán người bị xét xử tại TAND tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Giang Phương

>>  Kỳ 1: Mánh lừa quốc tế
>> Kỳ 2: Bán người như hàng hóa

Tại hội thảo này, đại tá Lê Văn Chương, Phó chánh văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy (C56) - Bộ Công an đã dẫn báo cáo của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế khiến những đại biểu tham dự không khỏi lo lắng: Hằng năm trên thế giới có khoảng 800.000 - 1 triệu người bị mua bán, lợi nhuận bọn tội phạm thu được khoảng 32 tỉ USD. Trong đó, trên 80% là phụ nữ và các bé gái, trên 55% là vị thành niên và có khoảng 20,9 triệu nạn nhân bị cưỡng bức lao động và lao động tình dục.

Hiểm họa của loài người

Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết, mua bán người là loại tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, gắn liền với kinh tế, xã hội, an ninh đối ngoại, là hiểm họa của loài người được Liên Hiệp Quốc đưa vào chương trình phòng chống toàn cầu. Trong đó, VN vừa là địa bàn xảy ra vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước.

Theo báo cáo từ các địa phương, từ 2005 đến 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ, với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân. So với cùng thời gian trước đã tăng 2 lần số vụ; 2,5 lần số đối tượng và 3 lần số nạn nhân. Chỉ tính riêng năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra gần 700 vụ, với hơn 1.100 đối tượng lừa bán 1.300 nạn nhân, trong đó 80% là lừa bán ra nước ngoài. Tại 10 địa phương trọng điểm phía nam đã xảy ra 182 vụ, cơ quan chức năng đã bắt giữ 480 đối tượng, giải cứu 725 nạn nhân. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 tỉnh Tây Ninh phát hiện nhiều nhất với 52 vụ, kế đến là TP.HCM (45 vụ), Đồng Tháp (32 vụ), Kiên Giang (26 vụ), Hậu Giang (16 vụ), Cần Thơ (15 vụ), An Giang (12 vụ)…

Tại hội thảo các đại biểu cũng chia sẻ một số thủ đoạn loại tội phạm này dùng để dụ dỗ, lôi kéo người bán sang nước ngoài. Hầu hết những đối tượng bị bắt giữ đều từng làm ăn, cưới chồng ở nước ngoài sau đó về nước tìm đến các vùng quê làm quen với các cô gái không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc với lương cao. Sau khi ra nước ngoài, các nạn nhân lập tức bị đưa thẳng tới các “động” để ép bán dâm, hoặc làm việc bất hợp pháp, nô lệ tình dục. Hình thức phổ biến nữa là chúng lên mạng internet làm quen những cô gái trẻ, sau đó dụ dỗ lên vùng biên giới đi du lịch, mua sắm rồi bí mật tổ chức bắt cóc đem bán qua các nước khác. Bên cạnh đó, thủ đoạn buôn người núp bóng dưới dạng “xem mặt chọn vợ”, kết hôn giả, xuất khẩu lao động trái phép cũng được bọn buôn người áp dụng...

“Đối tượng bị giới mua bán người nhắm vào chủ yếu là phụ nữ độ tuổi từ 16 đến 25 ở nông thôn, dân trí thấp, nghèo và cận nghèo, từng lầm lỡ trong cuộc sống. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, bọn chúng lừa họ bán ra nước ngoài bằng nhiều hình thức như tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả rồi bán sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan sau đó ép làm gái mại dâm”, đại tá Lý Hồng Sinh, Phó giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết.

“Xu hướng tăng và quốc tế hóa”

Phân tích nguyên nhân từ góc độ kinh tế - xã hội, đại tá Nguyễn Văn Bé Sáu, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, dẫn chứng thêm từ thực tế địa phương “đến nay chúng tôi chưa phát hiện nạn nhân nào ở vùng thị xã, có trình độ, có thu nhập bị mua bán cả”. Ông nhấn mạnh: “Họ muốn có việc làm tốt, ước muốn đổi đời hoàn toàn chính đáng nhưng thông tin về tội phạm mua bán người với họ quá ít dẫn đến rủi ro cao và trở thành nạn nhân của bọn mua bán người”.

Đại tá Sáu cũng đánh giá, thời gian tới tình hình tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục gia tăng và phức tạp hơn bởi số hộ nghèo còn nhiều, khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn, việc làm thu nhập còn chưa ổn định…

Từ thực trạng tình hình các địa phương báo cáo, đại tá Lê Văn Chương cho rằng hoạt động của loại tội phạm này đang diễn biến ngày càng phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa, trong nước còn tiềm ẩn nhiều đường dây, băng nhóm hoạt động với nhiều hình thức rất tinh vi. Ông nhìn nhận, ngoài kết quả thắng lợi lớn trong đấu tranh khám phá nhiều vụ án, chuyên án phức tạp xuyên quốc gia, quốc tế, quy mô lớn; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thì vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Theo đó, nhiều địa phương vẫn chưa đánh giá đúng thực trạng tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, có địa phương báo cáo hằng năm không phát hiện hoặc chỉ xảy ra 1 đến 2 vụ nên chưa tham mưu cho các cấp lãnh đạo biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này. Mặt khác, công tác truyền thông chưa tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán, nhất là vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền.

“Lâu nay chúng ta chỉ nói suông, nói phớt phần trên thì sao mà hiệu quả được. Trong khi đối tượng bị tội phạm mua bán người xâm hại nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em, người cần am hiểu những kiến thức về tội phạm mua bán người thì lại chẳng được biết thông tin. Nếu không làm được công tác tuyên truyền giáo dục tốt để người dân phòng ngừa từ đầu thì cho dù ngành công an có triệt phá được nhiều đường dây nhưng hiệu quả cuối cùng cũng không đạt”, trung tướng Cao Minh Nhạn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm - Bộ Công an nhấn mạnh. (Còn tiếp)

Giang Phương - Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.