Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông: Việt Nam không có 'báo lá cải'

21/11/2013 10:30 GMT+7

(TNO) Người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) khẳng định Việt Nam không có "báo lá cải" và cần ngăn chặn, chấm dứt khuynh hướng " báo lá cải " ra khỏi đời sống xã hội, đời sống của nền báo chí.


Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn 

Sáng 21.11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son tiếp tục trả lời chất vấn của Quốc hội. Nhiều đại biểu đặt vấn đề thời gian qua có một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội đưa tin sai, có những thông tin "độc" không đúng với văn hóa, thuần phong gây tổn hại danh dự cá nhân, tổ chức, thiệt hại kinh tế…

 
Trong xã hội ta không có "báo lá cải". Song trên thực tế, có một số cơ quan báo chí, trong một số thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến hiện tượng vi phạm. Hiện tượng đó là biểu hiện của khuynh hướng "báo lá cải", chứ không phải là "báo lá cải".

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt câu hỏi: Việt Nam đã gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trong đó, hai vấn đề cơ bản nhất của nhân quyền là quyền bí mật thư tín điện thoại, thông tin cá nhân và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin. Vậy Bộ TT-TT sẽ làm gì để chúng ta đáp ứng được vinh dự cũng như trách nhiệm của Việt Nam khi gia nhập hội đồng này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, người đứng đầu Bộ TT-TT khẳng định theo Luật Báo chí thì "trong xã hội ta không có báo lá cải". Song trên thực tế, có một số cơ quan báo chí, trong một số thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến hiện tượng vi phạm. Hiện tượng đó là biểu hiện của khuynh hướng "báo lá cải", chứ không phải là "báo lá cải".

“Hiện tượng này ("báo lá cải" - PV) cần được ngăn chặn và chấm dứt ra khỏi đời sống xã hội, đời sống của nền báo chí nước ta”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời Bộ trưởng Son cũng khẳng định cần làm tốt việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Các tổ chức, cơ quan cần thực hiện quy chế phát ngôn cho báo chí, để báo chí được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện. Báo chí có nhiều thông tin đúng, đủ từ đó lấn áp những thông tin xuyên tạc.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin 

Về hoạt động báo chí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng có ý kiến khẳng định, đào tạo phóng viên là điều cốt lõi vì phóng viên là linh hồn của báo chí.

Ông Hùng đề nghị, quản lý báo chí cần tập trung vào ba việc là: Quản lý tôn chỉ mục đích của tờ báo; Trách nhiệm của phóng viên; Trách nhiệm của ban biên tập, từng thành viên ban biên tập và cơ quan chủ quản.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về vấn đề cấp phép, không thể nói người cấp phép không có trách nhiệm. “Đã cấp phép thì phải có trách nhiệm, có thể cấp phép thì có thể rút giấy phép. Cấp phép không nghiêm, không đúng thì chắc chắn sẽ để lại hậu quả”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nguyên Mi
Ảnh: Ngọc Thắng

>> Truyền hình trực tuyến: QH tiếp tục phiên chất vấn
>> Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Bộ Y tế liên quan ít nhiều đến trách nhiệm
>> Thủy điện xả lũ gây 'lũ chồng lũ': ĐBQH đề nghị xử lý hình sự
>> Tăng cước 3G nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, tăng đóng góp cho Nhà nước
>> Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.