Tội phạm buôn người - Kỳ 4: “Cáo trạng” bất thành văn

21/11/2013 03:00 GMT+7

Bị lừa gạt và bị bán ra nước ngoài vào những “động quỷ”, các nạn nhân được giải cứu trở về cũng chưa thể ngày một ngày hai hòa nhập được với cộng đồng.

Tội phạm buôn người - Kỳ 4: “Cáo trạng” bất thành văn

Các thành viên nhóm Ban Mai với mô hình góp vốn xoay vòng - Ảnh: Giang Phương

Được sự giới thiệu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tây Ninh, đầu tháng 11.2013, chúng tôi tìm đến nhóm tự lực Ban Mai, một trong 3 nhóm tự lực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nơi có 16 thành viên từng là nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người được giải cứu trở về và sinh hoạt hòa nhập cộng đồng. Trong buổi chiều tối chập choạng, những tâm sự của họ về quãng đời cơ cực đã qua như những bảng cáo trạng tố cáo thêm tội ác bọn buôn người.

“Họ nói em hám giàu mà đi bán thân, đi làm gái...”

Khi chúng tôi có mặt, nhiều chị đồng ý chia sẻ với chúng tôi về những khoảng lặng tủi nhục của cuộc đời mình khi từng là nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. V. (nay 26 tuổi, ngụ Tây Ninh) kể rằng sau khi thoát thân ra khỏi “động quỷ” ở Malaysia về nước, những ngày đầu chị không dám bước chân ra khỏi cửa, những tiếng đời thị phi của xóm giềng cứ ám ảnh chị. Từng là một cô gái quê hiền ngoan, chỉ lo chăm chỉ làm lụng trong mắt bà con ở cái xóm nghèo, thế nhưng lúc được giải cứu trở về nhà sau khi là nạn nhân của bọn lừa đảo dưới mác xuất khẩu lao động nhưng thực chất là bán dâm, V. đã bị những lời dè bỉu ác ý từ nhiều người xung quanh. V. tâm sự: “Họ nói em hám giàu mà đi bán thân, đi làm gái... Nhục lắm. Nếu không có những người thân động viên em vượt qua thì em đã không còn sống nữa rồi. Cả gia đình đều bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng”.

May mắn hơn V., nhưng L. (28 tuổi) cũng phải đối diện với những tiếng đời mỉa mai. Cuộc sống hai vợ chồng quá khó khăn, nhiều lần L. xin cha mẹ và chồng cho đi xuất ngoại làm việc để kiếm tiền với mức lương cao nhưng không được đồng ý. Lúc quyết định trốn gia đình xuất ngoại vào năm 2007, L. đang mang thai hơn một tháng. Khi đặt chân đến Malaysia, chị ngỡ ngàng vì nơi được hứa hẹn làm việc thực chất là một động chứa mại dâm. Thế là chị tìm cách trốn thoát, rồi nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia giúp đỡ thủ tục trở về nước. Tuy nhiên, trở về quê nhà, có quá nhiều lời dị nghị dành cho chị. “Em phải đối mặt với những đàm tiếu từ phía nhà chồng, hàng xóm. Nếu như em không mạnh mẽ hơn thì em chẳng có ngày hôm nay”, L. chia sẻ.

Những vòng tay cuộc đời

Theo Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh, ngoài những nạn nhân được giải cứu thì những người tự tìm cách trở về chiếm tỷ lệ khá cao. Do chưa được xác minh nên nhiều người không muốn công khai nỗi đau của mình, vì vậy các cơ quan chức năng chưa có con số thống kê chính xác. Tuy nhiên, cũng theo Sở này, có một điểm chung là rất nhiều trường hợp khi tái hòa nhập cộng đồng, do hạn chế về kỹ năng sống, ý chí của mỗi cá nhân... nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong đó, khó khăn nhất khi họ trở về là không có việc làm hoặc có việc làm thì thu nhập rất thấp, cuộc sống không ổn định, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, mất hết giấy tờ tùy thân, mắc các chứng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...

Được sự đồng ý của UBND tỉnh Tây Ninh, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để thực hiện dự án “Mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực” trong phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh. Dự án này do Sở LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan như công an, phụ nữ, Đoàn thanh niên thực hiện. Trong đó, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB-XH) trực tiếp tham mưu và triển khai thực hiện. Dự án được thực hiện trong 9 tháng giai đoạn 1 (từ tháng 1 - 9.2012) và giai đoạn 2 (từ tháng 10.2012 - 9.2013). Ba nhóm tự lực dành cho nạn nhân mua bán người được xây dựng trên địa bàn 3 huyện trọng điểm về nạn mua bán người tại Tây Ninh: Châu Thành, Tân Biên và Gò Dầu với 30 người là thành viên. Chị M. (26 tuổi, ngụ H.Châu Thành) tâm sự: “Từ khi nhóm ra đời đã kéo chị em chúng tôi ra khỏi bóng tối. Chỉ có những người trong cuộc như các chị em thì mới hiểu rõ về nhau nhất. Từ những nghị lực đó mà mọi người thấy cần phải vươn lên”.

Sau khi hoàn thành các lớp tập huấn về “Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi”, “Kỹ năng sử dụng đồng vốn hiệu quả”, 24 thành viên được vay vốn hỗ trợ tăng thu nhập với mức 5 triệu đồng/người, trong thời gian 4 - 5 tháng với mức lãi suất 0,5% (tương đương 25.000 đồng/người/5 tháng) để chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán. Theo báo cáo của Sở, đến nay đã thu hồi vốn được 20/24 thành viên, trong đó có 4 thành viên gặp rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Chiều về, trong căn nhà bà Nguyễn Thị Thu Ba, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ H.Châu Thành (nơi nhóm mượn sinh hoạt - PV) rộn ràng những tiếng cười vui của các thành viên trong nhóm. Nở nụ cười tự tin, chị L. (nhóm Ban Mai) chia sẻ: “Nhờ khoản vốn vay và được xây tặng mái ấm tình thương khiến cuộc sống tôi khá lên nhiều. Trong quá trình làm ăn, nếu có bất kỳ khó khăn nào chúng tôi chỉ cần lên tiếng là các bạn, các cô chú nhiệt tình giúp đỡ. Giờ tôi chỉ mong những chị em khác cũng có cuộc sống ổn định”.

Trao đổi thêm với Thanh Niên, bà Thu Ba chia sẻ: “Vì thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng sống đã đẩy các em đi lạc lối. Khi trở về nếu không mở rộng vòng tay đón các em thì coi như đã lấy mất cả một tương lai dài của các em rồi”. Theo các thành viên nhóm Ban Mai, bà Thu Ba còn mở ra mô hình góp vốn xoay vòng hơn 9 tháng nay với mức 200.000 đồng/người/tháng giúp chị em thêm một khoản chi phí để sinh hoạt (hơn 3 triệu đồng).

Giang Phương

>> Tội phạm buôn người - Kỳ 1: Mánh lừa quốc tế
>> Tội phạm buôn người - Kỳ 2: Bán người như hàng hóa
>> Tội phạm buôn người - Kỳ 3: Kiếm 32 tỉ USD mỗi năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.