Chín tháng đầu năm, Hải Phòng đón 3,9 triệu du khách, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo nhiều chuyên gia, con số này là quá khiêm tốn so với tiềm năng và tài nguyên du lịch của thành phố này.
|
Quảng bá sơ sài
Không phải ngẫu nhiên, khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hải Phòng lại sốt sắng đề nghị viết thật nhiều về các điểm đến, các món ăn truyền thống, các sinh hoạt văn hoá của địa phương. Thực tế với rất nhiều du khách, Hải Phòng hình như chỉ được biết đến với hai địa danh Đồ Sơn và Cát Bà.
Anh Antoine Garnier, 21 tuổi, du khách người Pháp mà chúng tôi gặp trên đường phố Hải Phòng, cho biết anh đến Hải Phòng do một sự tình cờ, khi trên đường từ Ninh Bình ra Quảng Ninh. “Tôi vừa tham quan Huế, rồi ra Ninh Bình, sắp đi Quảng Ninh để thăm Vịnh Hạ Long. Trước đó, khi tìm hiểu về du lịch phía bắc Việt Nam, tôi chỉ nghe nhắc nhiều đến Hà Nội, vịnh Hạ Long, Sa Pa và Ninh Bình”, anh Garnier nói.
Trên nhiều diễn đàn và trang web trao đổi thông tin du lịch quốc tế, như TripAdvisor, chủ đề du lịch Hải Phòng - Việt Nam cũng nhận được rất ít sự quan tâm của du khách nước ngoài. Trước những câu hỏi ít ỏi đặt ra như: “Có đáng để đi du lịch Hải Phòng hay không?”, hay “Hải Phòng có gì để khám phá?”…, đa số đều nhận lại được những lời khuyên là: không nên chọn Hải Phòng, nếu như đã có sẵn một điểm đến khác.
Hệ quả của việc này được thể hiện rất rõ nét khi trong tổng số 3,9 triệu du khách đến với Hải Phòng từ đầu năm đến tháng 9.2013, chỉ có gần 430.000 lượt khách quốc tế (chiếm 11%). Không cần thống kê, cũng có thể thấy khách ngoại quốc nếu đến Hải Phòng thì chỉ ra Cát Bà là chính.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Phạm Quang Vinh thừa nhận: Hải Phòng có rất nhiều tiềm năng cũng như có nhiều sản phẩm du lịch có thể 'bán' được, nhưng có quá ít du khách biết đến. Sự đầu tư của thành phố cho du lịch nói chung, cho quảng bá du lịch nói riêng, còn rất hạn chế: năm 2011, ngân sách dành cho quảng bá du lịch của thành phố chỉ 600 triệu đồng, đến 2012 là 2,6 tỉ đồng. Năm nay, con số này tăng lên khoảng gấp đôi, hơn 5 tỉ đồng. “Điều đó cho thấy đến năm 2013 này, Hải Phòng hình như mới thực sự quan tâm đầu tư cho du lịch”, ông Vinh nói.
Nơm nớp sợ 'chặt chém' dịch vụ
Theo chị Trịnh Thị Kim Chi, 37 tuổi, ở quận Ngô Quyền, một trong các nguyên do khiến chị và nhiều người Hải Phòng dè dặt khi đi Đồ Sơn hay Cát Bà là cảm giác 'bất an' về giá cả, dịch vụ. “Hồi đầu hè, mấy gia đình chúng tôi cùng nhau ra Đồ Sơn. Quán giải khát ven biển ra giá 45.000 đồng/quả dừa. Khi nghe giới thiệu là người Hải phòng, sau 5 phút mặc cả, chủ quán mới chốt lại 35.000 đồng/quả. Chúng tôi thất vọng bỏ đi. Khi đã quyết định đi du lịch là đã chấp nhận tiêu tiền, nhưng cái mà chúng tôi muốn nhận được phải tương xứng với đồng tiền bỏ ra”, chị Chi nói.
Chị Vũ Huyền Vân, du khách đến từ Quảng Ninh, cũng chia sẻ: “Mỗi lần sử dụng dịch vụ ở Đồ Sơn đều phải làm một việc rất đáng chán, dù khá quan trọng, là phải hỏi trước giá tiền và chuẩn bị tinh thần để mặc cả. Đi du lịch mà lúc nào cũng phải đề phòng sự chặt chém thì chỉ đến một lần và không muốn trở lại”.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Hải Phòng đã rất quan tâm đến việc chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch ở địa phương. Tuy nhiên, 'chặt chém' vẫn là vấn nạn, do tính chất làm ăn theo mùa vụ, đông khách mùa hè, vắng vào mùa đông. Tuy nhiên, làm thế nào để Hải Phòng đông khách quanh năm thì chính quyền sở tại chưa tìm được giải pháp.
Bích Ngọc
>> Nếm Hải Phòng' trong lòng Hà Nội
>> Tuyết rơi tại Hải Phòng
>> Kiếm chỗ ăn, chơi ở Đồ Sơn
>> Những điều 'không nên' khi đến Đồ Sơn
>> Thót tim xem Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
>> Cháy phòng, tăng giá tại bãi biển Đồ Sơn
>> Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Vì sao chưa an toàn?
>> Hải Phòng: Tăng chuyến tàu du lịch ra đảo Cát Bà
>> Nguy cơ mất Cát Bà vì... bùn
>> Thăm vườn quốc gia Cát Bà
>> Thăm đảo Cát Bà, vịnh Lan Hạ
>> Góc bình yên của Cát Bà
>> Cát Bà hôm nay
Bình luận (0)