Chấn chỉnh thị trường vàng nữ trang, mỹ nghệ

22/11/2013 16:25 GMT+7

(TNO) Lần đầu tiên, Việt Nam ban hành hệ thống tiêu chuẩn về đo lường và chất lượng vàng trang sức, áp dụng với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ…

(TNO) Ngày 22.11, Hội mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA) tổ chức hội nghị thông tin hướng dẫn Thông tư 22 của Bộ Khoa học công nghệ về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.


Chất lượng vàng nữ trang sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới - Ảnh: Đ.N.Thạch 

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho biết hai thông tư này là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam ban hành hệ thống tiêu chuẩn về đo lường và chất lượng vàng trang sức, áp dụng với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ… tương đối đầy đủ các quy định đối với tiêu chuẩn vàng lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1.6.2014 nhưng thời gian gần đây đã có năm đơn vị sản xuất kinh doanh nữ trang bị phạt vì chất lượng hàng hóa, cân đo không đạt.

Trao đổi ngoài hành lang hội nghị, ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết các quy định về chất lượng ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm sẽ được công bố đúng tuổi, tiền gia công sản phẩm sẽ tăng lên thay vì ăn vào sản phẩm như trước đây.

Chẳng hạn, một chiếc nhẫn bán ra bên ngoài công bố là vàng 75% nhưng thực chất hàm lượng vàng chỉ ở mức 68% - 70%, phần tiền chênh lệch từ vàng sẽ bù đắp cho phần tiền gia công nên khi bán, cửa hàng sẽ tính tiền công rất nhỏ hoặc chỉ tượng trưng.

Thế nhưng thực chất, phần chênh lệch hàm lượng vàng đã có thể lấy lại phần tiền công hoặc có khi gấp đôi tiền công. Khi Thông tư 22 áp dụng, thị trường vàng nữ trang sẽ được chấn chỉnh khi cơ quan quản lý mạnh tay kiểm tra.  

Thông tin trước hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho hay: “Trên toàn thành phố có khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất nữ trang nhưng đến nay chỉ mới có 86 doanh nghiệp xin cấp phép sản xuất nữ trang theo quy định mới tại NHNN. Những doanh nghiệp đăng ký này chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành"

Ông Minh băn khoăn: "Không hiểu vì sao doanh nghiệp không đăng ký cấp phép tại NHNN, tìm hiểu thì không phải chúng tôi khó khăn trong việc cấp phép. Bởi điều kiện xin cấp phép hiện nay khá đơn giản như cấp cho doanh nghiệp (không cấp cho hộ kinh doanh, cá nhân); có giấy đăng ký kinh doanh, có đăng ký sản xuất hàng nữ trang mỹ nghệ; có địa điểm sản xuất kinh doanh, thiết bị máy móc; doanh nghiệp tuân thủ pháp luật”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh còn thông tin thêm, nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang mỹ nghệ hiện nay không còn bức xúc như những tháng giữa năm. Thời gian gần đây, NHNN chưa tiếp nhận thêm một bộ hồ sơ xin nhập khẩu vàng nguyên liệu nào.

Thanh Xuân

>> Kinh nghiệm mua vàng nữ trang
>> Doanh nghiệp vàng nữ trang gặp khó
>> Sàn vàng và vàng nữ trang là lối thoát cho thị trường vàng
>> Vàng nữ trang gặp thời
>> Vụ có dấu hiệu kinh doanh vàng qua mạng: Chuyển hồ sơ sang công an
>> Đề nghị rút giấy phép kinh doanh doanh nghiệp kinh doanh vàng tài khoản
>> Thanh tra hoạt động kinh doanh vàng miếng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.