Án nặng cho các quan tham nhũng ở Công ty Vifon

27/11/2013 12:30 GMT+7

(TNO) Sáng hôm nay (27.11), phiên xử vụ án tham nhũng tại Vifon đã khép lại bằng bản án rất nghiêm khắc. HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vifon) 7 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 15 năm tù về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng cộng hình phạt là 22 năm tù.

(TNO) Sáng hôm nay (27.11), phiên xử vụ án tham nhũng tại Vifon đã khép lại bằng bản án rất nghiêm khắc được Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên. 

 
Các bị cáo tại toà

>> Cựu quan chức Vifon bị đề nghị đến 30 năm tù
>> Xét xử vụ tham ô tại Công ty Vifon
>> Thủ đoạn tham nhũng ở Vifon
>> Vụ tham ô tại Công ty Vifon gây thiệt hại trên 20 tỉ đồng
>> Yêu cầu điều tra bổ sung vụ tham ô tại Công ty Vifon

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền không đứng vững sau khi nghe mức án dành cho mình, còn bị cáo Dương Thị Mẫn không thể đứng nổi. HĐXX phải yêu cầu 3 bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Mẫn.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vifon) 7 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 15 năm tù về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng cộng hình phạt là 22 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó tổng giám đốc Vifon) bị phạt 20 năm tù về tội “tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù, mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất theo quy định của luật.

Bị cáo Đàm Tú Liên (nguyên Kế toán trưởng) 8 năm tù; bị cáo Dương Thị Mẫn (nguyên Kế toán thanh toán): 7 năm tù và bị cáo Ka Thị Thu Hồng (nguyên Thủ quỹ Vifon) 7 năm tù, cùng về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo HĐXX, cần phải giải quyết cho được bản chất, vấn đề mấu chốt của vụ án này thì mọi vấn đề mới được sáng tỏ, giải đáp thỏa đáng các ý kiến bào chữa của luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội. Cụ thể, Bộ Công thương tuy từ chối tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện tham dự phiên tòa không trả lời các câu hỏi của HĐXX, bỏ về khi phiên toà đang diễn ra, nhưng căn cứ vào luật Doanh nghiệp nhà nước thì Bộ Công thương hay Bộ Công nghiệp cũ là đơn vị quản ý ngành, là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong Công ty Vifon, có quyền và đã có nhiều quyết định, định đoạt đối với tài sản của Vifon trước đây. Vì vậy, Bộ Công thương chính là nguyên đơn dân sự.

Ngoài ra, Công ty Vifon tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, sau đó bán 49% cổ phần cho tư nhân và sau này cổ phần hóa. Giai đoạn các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là giai đoạn Vifon có 100% và 51% vốn nhà nước nên tài sản các bị cáo chiếm đoạt, gây thất thoát là của Nhà nước, đủ yếu tố cấu thành tội tham ô, cố ý làm trái. Đối với giai đoạn các Vifon cổ phần hoá, số tiền chiếm đoạt của các bị cáo cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm.

Theo HĐXX, Nguyễn Thanh Huyền  là người chủ mưu chỉ đạo nhân viên dưới quyền tráo đổi tài khoản, lập các chứng từ giả thu, giả chi tham ô hơn 9,8 tỉ đồng của Nhà nước. Huyền khai số tiền này đưa hết cho Bi, thực hiện theo chỉ đạo của Bi nhưng Bi không thừa nhận và cũng không có chứng cứ gì chứng minh nên tòa buộc Huyền phải chịu trách nhiệm hình sự chính, bồi thường số tiền này cho Bộ Công thương.

Ngoài ra, bà Huyền còn chuyển khoản cho Bi 2,3 tỉ đồng lấy từ nguồn tiền hoàn thuế của Công ty Vifon thời kỳ cổ phần hoá và lập chứng từ khống chiếm đoạt 1,37 tỉ đồng là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn Nguyễn Bi là người trực tiếp ký duyệt các phiếu chi, tạo điều kiện cho bà Huyền chiếm đoạt tiền nên phạm tội cố ý làm trái. Bi còn bị cho là lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy 2,3 tỉ đồng.

Các bị cáo còn lại là cấp dưới, thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, không hưởng lợi gì là đồng phạm giúp sức cho Huyền và Bi chiếm đoạt tiền nên chịu trách nhiệm hình sự và được giảm nhẹ hình phạt.

Do Huyền, Bi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, Huyền phạm tội nhiều lần nên HĐXX tuyên phạt mức án nghiêm khắc như trên.

HĐXX tuyên buộc Huyền phải bồi thường cho Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) 9,8 tỉ đồng và bồi thường cho Công ty Vifon 1,37 tỉ đồng. Bi bồi thường cho Vifon 2,3 tỉ đồng.

Đặc biệt, HĐXX còn đề nghị xem xét xử lý hình sự thêm đối với ông Nguyễn Văn Bên (nguyên Phó tổng giám đốc Vifon thời điểm xảy ra vụ án) vì hành vi của ông này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tin, ảnh: Lê Quang

>> Tham nhũng ở bệnh viện tâm thần?
>> Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng
>> Hai án tử hình trong 'đại án' tham nhũng ALCII
>> Vụ tham nhũng tại ALCII: Tòa tuyên hai án tử hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.