Bệnh viện thiếu thuốc

28/11/2013 03:15 GMT+7

Thời gian gần đây rất nhiều bệnh nhân ở một số địa phương đi khám bệnh có bảo hiểm nhưng không được nhận thuốc mà phải chạy đi mua bên ngoài. Lý do là bệnh viện cạn thuốc.

 Bệnh viện thiếu thuốc
5 tháng qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang thiếu thuốc phát cho người bệnh - Ảnh: Lê Đình Tuyển

Khoảng 5 tháng qua, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Kiên Giang lâm vào cảnh thiếu thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Thay vì được thanh toán tiền thuốc ít nhất 80% (đúng tuyến) như quy định, nhiều người bệnh đã phải tự bỏ tiền túi ra mua.

Bệnh nhân nghèo không có tiền thì sao?

Ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ H.Hòn Đất), điều trị bệnh viêm gan mãn tính ở BVĐK Kiên Giang nhiều năm nay, cho biết bác sĩ cho toa 2 loại thuốc nhưng bệnh viện chỉ phát loại rẻ tiền, còn thuốc đặc trị thì ông phải bỏ tiền ra mua. “Mấy tháng nay, tháng nào tôi cũng tốn thêm hơn 900.000 đồng”, ông Phúc nói. Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Giàu, đang điều trị viêm gan cũng bức xúc: “Do nhu cầu chữa bệnh nên tôi cũng ráng bỏ tiền mua thêm thuốc để trị. Nhưng những bệnh nhân nghèo, không có tiền thì sao?”. 

 

Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc lâu và với số tiền lớn như vậy, gây bức xúc cho người bệnh, lẽ ra Bệnh viện đa khoa Kiên Giang và bảo hiểm y tế tỉnh phải báo cáo ngay với bảo hiểm xã hội Việt Nam để có hướng giải quyết kịp thời

Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Tại Cà Mau, nhiều người dân ở 2 xã Khánh Tiến và Nguyễn Phích (H.U Minh) cũng bức xúc khi đưa con em đến trạm y tế xã khám bệnh nhưng bị từ chối khám vì thiếu thuốc. Ông Trương Việt Kiên, Phó trưởng trạm y tế xã Nguyễn Phích, giải thích: “Do thiếu thuốc nên vừa qua chúng tôi không khám bệnh được. Nhưng nếu bệnh nhân đồng ý khám, tự mua thuốc thì chúng tôi vẫn khám và cho toa. Hiện chúng tôi đã khám lại bình thường, nhưng thuốc chỉ đáp ứng một phần nào đó thôi, chứ không đủ như trước”.

Ông Huỳnh Văn Tám, Giám đốc Trung tâm y tế H.U Minh, thừa nhận: “Hiện các trạm y tế thiếu thuốc điều trị. Người dân cũng phản ứng nhiều về việc đi khám bệnh BHYT thuốc quá ít. Tôi cũng đã báo với lãnh đạo huyện về chuyện này”.

Cùng lúc, các trạm y tế xã ở H.Trần Văn Thời cũng đồng loạt “la làng” về tình trạng thiếu thuốc điều trị. Bác sĩ Trần Quang Khóa, Giám đốc BVĐK khu vực cho biết: “Nhiều trạm y tế than phiền về việc thiếu thuốc trong điều trị, còn người bệnh thì than phiền sao bác sĩ cho thuốc quá ít, giá trị chỉ 15.000 - 20.000 đồng, trong khi tiền họ đi xe, đi đò đến trạm khám bệnh cao hơn tiền thuốc”.

Theo thông tin Thanh Niên ghi nhận được, không chỉ trạm y tế ở các huyện mà ngay cả BVĐK tỉnh Cà Mau cũng đang trong tình trạng “đói” thuốc dành cho bệnh nhân khám BHYT, nhiều bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc.

“Bệnh viện làm như thế là bệnh viện sai"

Khi được hỏi: Người bệnh có thẻ BHYT nhưng phải ra ngoài mua thuốc có được thanh toán lại với BHYT không, ông Võ Thanh Dân, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau, lấp lửng: “Cái này phải bàn lại, bởi bệnh viện làm như thế là bệnh viện sai”.

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã phát văn bản yêu cầu khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh ngay tình trạng thiếu thuốc phục vụ người bệnh hoặc thiếu chủ động trong cung ứng thuốc, đặc biệt là đối với các đối tượng BHYT.

Tại Kiên Giang, nói về tình trạng thiếu thuốc, bác sĩ Phạm Minh Huệ, Giám đốc BVĐK tỉnh, chống chế:  “Do lần đầu tổ chức đấu thầu mua thuốc trọn năm theo Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính nên bệnh viện chưa có kinh nghiệm dự trù, dẫn đến thiếu hụt thuốc đột xuất”. 

Hiện nay BVĐK Kiên Giang đã có tờ trình cho UBND tỉnh về tình trạng thiếu thuốc và xin chủ trương cho mua bổ sung 154 danh mục thuốc trị giá khoảng 28,5 tỉ đồng. Sở Y tế Kiên Giang cũng làm văn bản thương thảo với BHXH tỉnh xin bổ sung số danh mục thuốc  trên. Tuy nhiên, phía BHXH tỉnh cho rằng bệnh viện xin bổ sung sau đấu thầu lên tới 28,5 tỉ đồng, vượt quá nhiều so với quy định nên BHXH tỉnh không đồng ý. UBND tỉnh vẫn đang phải làm việc với các bên để tìm hướng giải quyết vụ việc.

Không phải “chuyện hiếm”

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc BV để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, khiến cho bệnh nhân có BHYT phải đi mua thuốc bên ngoài không phải hiếm gặp và thường rơi vào dịp cuối năm.

Trong số 2.000 BV trên cả nước, có khoảng 2% BV rơi vào tình trạng này. Nguyên nhân, do đầu năm BV lập kế hoạch thiếu, trong khi lượng bệnh nhân tăng đột biến. Ông Thảo cho rằng, theo quy định những người bệnh phải mua thuốc bên ngoài có thể mang hóa đơn đến cơ quan BHXH thanh toán. Chậm nhất trong vòng 15 ngày sẽ được nhận lại tiền.

Tuy nhiên, với trường hợp của BVĐK tỉnh Kiên Giang thì số tiền bổ sung sau đấu thầu quá lớn. “Đây không phải năm đầu tiên BV này chi tiêu vượt kế hoạch. Mấy năm gần đây, mỗi năm họ chi vượt kế hoạch trên 10 tỉ đồng. Năm nay, khả năng quỹ BHYT của tỉnh cũng đã chi hết nên không còn khả năng chi trả số tiền mà BV này xin chủ trương bổ sung”.

Ông Thảo cho rằng, dù là nguyên nhân khách quan, cũng cần phải nghiêm khắc phê bình lãnh đạo BV. “Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc lâu và với số tiền lớn như vậy, gây bức xúc cho người bệnh, lẽ ra BVĐK Kiên Giang và BHYT tỉnh phải báo cáo ngay với BHXH Việt Nam để có hướng giải quyết kịp thời”, ông Thảo nói.

Thanh Niên

>> Không thiếu thuốc trị đau mắt đỏ
>> Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc điều trị
>> Y đức xuống cấp đe dọa tính nhân văn của bảo hiểm y tế
>> Thẻ bảo hiểm y tế có mã vạch
>> Phiền hà thanh toán bảo hiểm y tế
>> Cấm phân biệt đối xử bệnh nhân BHYT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.