Ở đây, những em khuyết tật, không được tới trường được dạy học miễn phí. Một ngọn lửa của tình yêu thương, sự hiếu học được thắp sáng nơi cõi chùa thanh tịnh.
Lớp học của tình thương
Tôi tìm đến lớp học tình thương vào một buổi sáng chủ nhật. Một lớp học đăc biệt khác hẳn những lớp học bình thường. Trong lớp, các “học sinh” có độ tuổi khác nhau; người lớn nhất đã 27 tuổi, bé nhất 6 tuổi.
Lớp học được chia thành 2 khối, một khối theo chương trình lớp 1, 2 và khối còn lại học chương trình lớp 3, 4, 5. Nhìn các em học sinh khuyết tật đang cố đánh vần, viết từng con chữ, làm từng bài toán, chăm chú nghe cô giáo và các anh chị sinh viên tình nguyện giảng bài, mới thấy được khát khao tìm đến con chữ của những con người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
|
“Tôi mở lớp học tình thương này là vì bố mẹ tôi trước đây là trẻ mồ côi, nhưng được ông bà nuôi ăn học mới nên người. Từ bé được nghe bố mẹ kể về sự bất hạnh, thiếu thốn tình cảm của họ, tôi thấy thương bố mẹ mình hơn và luôn tự nhủ bản thân lớn lên phải cố gắng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như thế…”, cô giáo Hòa chia sẻ.
Cô Hòa kể, mới đầu nhiều phụ huynh còn ngại ngùng. Cô phải đi vận động từng nhà, có người còn bảo con họ ở nhà đã là gánh nặng cho gia đình rồi, đến lớp học lại làm khổ các cô. Nhưng trước tấm lòng chân thành của cô giáo trẻ, nhiều phụ huynh đồng ý cho con tới nhà cô Hòa để học.
Lúc đầu lớp học chỉ có 4 học sinh, cô Hòa dạy ở phòng khách nhà mình. Tiếng lành đồn xa, lớp học của cô được nhiều người biết đến và xin cho con họ đến học.
Trong một lần đi lễ ở chùa Hương Lan, thấy chùa yên tĩnh, rộng rãi, cô Hòa đặt vấn đề với nhà chùa xin được mở lớp học tình thương tại chùa và được sư thầy trụ trì đồng ý.
Để mở được lớp học, cô Hòa và sư thầy lại phải cùng nhau đi xin mở lớp học với UBND xã, Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Sơn, Phòng giáo dục huyện Chương Mỹ.
Được sự đồng ý, lớp học tình thương được mở tại chùa từ năm 2007, dạy vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Cô Hòa cũng vận động các đồng nghiệp của mình đến dạy lớp học tình thương và được nhiều cô giáo đồng ý.
Đến nay, sĩ số của lớp đã lên tới 59 học sinh, đến từ 9 xã thuộc huyện Chương Mỹ. Ngoài những học sinh khuyết tật, cô Hòa nhận cả các cháu học chậm, nhà nghèo, học sinh ngồi nhầm lớp… theo học.
Sống đâu chỉ cho riêng mình
Những ngày đầu mở lớp tình thương, Cô Hòa và các sư thầy gặp rất nhiều khó khăn. Lớp học là phòng khách của chùa chỉ rộng 18 m2, phải kê thềm bàn ngoài sân chùa để học. Cô trò phải học trên những chiếc bàn cũ, hỏng xin được.
Rất nhiều lần, bàn ghế đổ làm sưng chân, chảy máu cả cô lẫn trò. Về sau lớp học được xã cho những bộ bàn nghế mới, rồi các nhà hảo tâm, nhà chùa Hương Lan và các phật tử giúp đỡ xây lớp học mới, rộng rãi hơn.
Toàn bộ sách giáo khoa là sách cũ được các trường học trên địa bàn hỗ trợ. Còn vở, bút, cặp đều do nhà chùa Hương Lan ủng hộ. Thời gian đầu, chỉ một mình cô Hòa đứng lớp. Sau này, có thêm 8 cô giáo khác trong vùng tình nguyện đến dạy cho các em học chữ.
|
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên lớp học tình thương chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì đã mang con chữ đến với các em nhỏ ở nơi đây. Trong lớp học này, các em đều là những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, nhưng các em rất ham học. Hằng tuần, các em cứ mong đến ngày thứ bảy, chủ nhật để được tới chùa học. Ở trường tôi, mỗi giờ sinh hoạt, chào cờ, tôi thường nêu gương những em ở lớp học tình thương để những học sinh trường noi gương học tập”.
Sư thầy Thích Đàm Tiền, chùa Hương Lan cho biết : “Khi cô Hòa đặt vấn đề mở lớp học tình thương ở chùa, nhà chùa luôn tạo điều kiện giúp đỡ các em học sinh kém may mắn trong cuộc sống biết được con chữ, sau này có ích cho cuộc sống”.
Cô Hòa xúc động tâm sự: “Tôi rất vui khi mình đã giúp đỡ được các em biết đến con chữ, được đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Thông qua các bài giảng, tôi luôn muốn gửi gắm đến các học sinh của mình hãy cố gắng vươn lên đừng buông tay trước số phận. Tôi thường xuyên nêu lên những tấm gương vươn lên trong cuộc sống như: Thầy Nguyễn Ngọc Ký, Hiệp sĩ công nghệ thông tin tật nguyền Nguyễn Công Hùng,... để các em học tập, để các em biết quý cuộc sống này”.
Lớp học tình thương chỉ dạy học đến hết bậc tiểu học. Trong lớp có nhiều em bị nhiễm chất độc da cam, bị tự kỷ; các em khác thì có những khuyết tật với mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng qua lớp học tình thương các em rất chăm chỉ học hành và tiến bộ trông thấy. Ông Đỗ Văn Bìa ở xã Đông Phương Yên kéo chiếc xe lăn chở con gái Đỗ Thị Thư (22 tuổi) bị liệt nửa người đến lớp học tâm sự: “ Tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, sinh ra con gái lại bị bệnh quái ác này. Lúc trước tôi chỉ biết để con ở nhà, không cho nó đi học được. Khi biết lớp học của cô Hòa tôi đến xin cho con đi học. Từ ngày đi được đi học nó thích lắm, cứ mong đến cuối tuần để được đến lớp, có lúc trời mưa gió không đem Thư đi học được thì nó cứ khóc mãi đòi đi, thương con tôi lại cố chở đến lớp học”. |
Phan Quang
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một người sống tại Hà Nội.
>> Lớp học tình thương ở rừng U Minh Thượng
>> Ấm áp lớp học tình thương
>> Lớp học tình thương
>> Vào rừng mở lớp học tình thương
Bình luận (0)