(TNO) Chiều nay 4.12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong đó có phân tích vì sao kết quả về lĩnh vực khoa học của học sinh Việt Nam lại cao như vậy.
>> Trình độ khoa học của học sinh Việt Nam thuộc hạng 'sao
|
Việt Nam đã lọt vào danh sách 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có khả năng khoa học tốt nhất thế giới, vượt qua rất nhiều quốc gia phương Tây có nền giáo dục lớn mạnh như Mỹ, Anh.
Câu hỏi toán xa lạ, khoa học gần gũi
Bàn luận vì sao kết quả về năng lực khoa học (science) cao hơn toán và đọc hiểu trong khi đánh giá đây là một lĩnh vực mới, đầy khó khăn đối với học sinh, Bộ GD-ĐT lý giải: Năm 2012, PISA tập trung vào lĩnh vực toán học làm trọng tâm, nên đã có nhiều câu hỏi mới được biên soạn đáp ứng theo khung đánh giá năng lực hiện đại.
Do đó, các bài thi toán học có số lượng nhiều, mới lạ, được cập nhật và đôi khi là những tình huống quá mới lạ với học sinh Việt Nam. Điều này dẫn tới việc học sinh phải làm rất nhiều câu hỏi toán học, không đủ thời gian làm bài, đành bỏ lại 1 số câu sau của đề thi.
Mặt khác vì nhiều câu hỏi nên các lỗi về giải toán sẽ mắc nhiều hơn. Cụ thể, số lượng bài thi và câu hỏi toán học: 56 bài thi, 110 câu hỏi thi; khoa học: 18 bài thi, 53 câu hỏi; đọc hiểu: 13 bài thi, 43 câu hỏi.
|
Trong khi đó, khoa học là lĩnh vực mà học sinh Việt Nam gặp nhiều thách thức. Do đặc điểm chương trình giáo dục của Việt Nam không có môn học mang tên science trong nhà trường THCS và THPT, mà học sinh được học các môn riêng rẽ như lý, hóa, sinh nên hạn chế về năng lực tư duy tổng hợp, liên lĩnh vực.
Tuy nhiên, kết quả PISA của Việt Nam lần này lại rất cao, theo lý giải của Bộ GD-ĐT là vì các câu hỏi khoa học được đưa vào đề thi lần này là các link unit (các bài đã được sử dụng trong kỳ PISA trước), đồng thời đó là các tình huống khá quen thuộc lại ở mức độ khó vừa phải nên học sinh Việt Nam đã trả lời rất tốt.
Kết quả PISA không đánh giá toàn diện học sinh
Xung quanh những câu hỏi đặt tình huống có hay không việc không trung thực trong kết quả này, bà Lê Thị Mỹ Hà, Phó giám đốc văn phòng PISA Việt Nam cho hay: Có một đội ngũ của OECD giám sát tất cả các khâu. Kết quả này là vì danh dự quốc gia nên chúng ta đã làm rất nghiêm túc.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ: Bản thân tôi cũng rất bất ngờ về kết quả này. “Lâu nay cứ bị nói là chất lượng giáo dục thấp nên cũng lo lắng lắm, kết quả này cũng tạo thêm niềm tin cho chúng tôi”.
Trả lời câu hỏi, liệu qua kết quả này có thể khẳng định học sinh của Việt Nam giỏi hơn học sinh Mỹ, Anh?
Ông Hiển cho rằng cần phải hiểu rằng PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học. Tuy nhiên, PISA góp phần trả lời học sinh Việt Nam đang đứng ở đâu, yếu gì, mạnh gì, để cải thiện chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hội nhập với thế giới.
Danh sách 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có điểm số về khoa học cao nhất thế giới
|
PISA là gì? PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Từ tháng 3.2010, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động triển khai PISA. Sau hơn một năm chuẩn bị, tháng 5.2011, Việt Nam đã tiến hành khảo sát thử nghiệm PISA tại 40 cơ sở giáo dục thuộc chín tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. |
Tuệ Nguyễn
>> Học sinh Việt Nam bỏ xa học sinh Ấn Độ nhiều năm
>> Học sinh Việt Nam và Indonesia đoạt giải thưởng Hult
>> 8 học sinh Việt Nam đoạt huy chương Olympic Vật lý châu Á
>> Một du học sinh Việt Nam đạt nhiều giải thưởng tại Nga
>> Du học sinh Việt Nam được vinh danh tại Úc
Bình luận (0)