>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 14: Đời cỏ bàng
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 13: Trở lại Mốp Giăng
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 12: Về chốn thi ca
|
Ngày hội ba khía
Năm Hinh làm ăn lỡ vận, bỏ Long Xuyên bơi xuồng đến vùng biển Xẻo Lá bán kẹo mưu sinh. Xóm nhỏ buồn chán nên Năm Hinh nằng nặc đòi tiền kẹo mà dân ở xóm đã mua chịu để về lại thị thành. Ngay lúc thắt ngặt, các con nợ đã thỏa thuận với Năm Hinh trừ tiền kẹo bằng 4 lu ba khía ướp muối.
Tận mắt thấy ba khía hội đen đặc cả vùng Xẻo Lá, Năm Hinh lấy làm tiếc vì thứ này bán có tiền sao người dân làm biếng không bắt. Trải qua đắng cay, Năm Hinh đã hiểu lời các cụ giải thích chuyện bắt ba khía dễ dàng nên chỉ có con nít, đàn bà mới làm, còn thanh niên, đàn ông chọn các chuyện khó hơn mà làm... (trích Ngày hội ba khía - Sơn Nam).
Nhưng giờ, bắt ba khía chẳng còn là chuyện dành cho đàn bà, con nít mà cánh đàn ông cũng xăng xái nhảy vô. Ông Hai Nhâm (62 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh, H.An Minh, Kiên Giang) nghe hỏi chuyện ba khía, bật lời ngay: “Xẻo Lá mà nhà văn Sơn Nam nhắc, bây giờ thuộc xã Tân Thạnh, huyện An Minh và xã Đông Thái huyện An Biên, Kiên Giang đó. Hồi xưa ba khía xứ này đúng là nhiều vô kể, mà không, phải gọi là ổ ba khía mới đúng”.
Ông Nhâm nhớ lại mấy năm trước, vào các ngày rằm tháng mười âm lịch là xóm biển vui như hội. Người già, trẻ em lỉnh kỉnh mang thau, thùng, thúng cùng đèn đuốc đi soi ba khía. Khi trời nhá nhem tối, từ các nơi ba khía kéo về rừng bần, rừng mắm bu đen đặc, chúng leo lên cây bắt cặp từng chùm. Chúng nhiều quá, bắt không kịp phải lấy đồ lùa xúc hay lấy tay hất cho chúng rớt xuống thau, thùng. Nhưng xúc lớp này lớp khác lổm ngổm bò tới lạo xạo.
Hội xong, chúng tản về hang chờ mùa hội sau. Một người bắt ba khía độ 1 giờ đồng hồ được cả trăm ký; đem về ướp muối ủ làm mắm.
Qua mùa hội ba khía, nhiều người đôi tay sưng bầm vì dù bắt nhanh hay xúc nhanh cỡ nào cũng bị càng ba khía kẹp đau điếng.
|
Còn đâu hội xưa
Bây giờ, đã đầu tháng 11 âm lịch, nhưng xứ Xẻo Lá khá vắng lặng. Tìm quang cảnh ba khía hội như Sơn Nam miêu tả giống như là ở kiếp nào. Hỏi đồng nghiệp ở các nơi có tấm ảnh ba khía hội không thì họ cười ngất: “Cha nội, hỏi mấy chuyện ngặt đời, ảnh đó giờ hiếm lắm”. Ông Nhâm nhẩm tính, khoảng từ năm 2000 trở lại đây, ngày hội ba khía ở Xẻo Lá không còn. Trong mùa hội chỉ bắt lác đác được vài ký. Ông Nhâm lý giải do rừng bần, đước, mắm bị lùi dần nhường chỗ cho các ao nuôi tôm, cá nên ba khía cũng mất chỗ hội, mất nguồn thức ăn và nơi sinh sôi. Rồi ngày xưa do chiến tranh, ảnh hưởng các chất hóa học cũng làm giảm sút sản lượng ba khía.
Từ tháng 6-10 âm lịch, thịt ba khía ăn ngon do trời sa mưa, nguồn thức ăn cho chúng phong phú nên thịt chắc lụi. Còn các tháng hạn, thịt ba khía “bủng” vì thiếu thức ăn. Người ta đoán rằng, vùng nào nhiều cây bần, mắm, đước thì thịt ba khía ngon vì chúng ăn trái của các cây này rụng xuống. Thịt ba khía giàu chất đạm, người vùng Xẻo Lá đãi ba khía hay dặn người quen rằng thịt ba khía giàu chất đạm nên đừng ăn chung ba khía với thịt chó. Họ nói thịt chó và ba khía bổ như nhau nên cùng lúc ăn quá nhiều chất đạm coi chừng bị bổ ngửa! Lúc trước chẳng ai màng đến con vật này, chỉ bằm nhuyễn chúng cho cá tôm ăn. Còn bây giờ, ba khía đã thành món đặc sản, xuất hiện nhiều ở nhà hàng, quán xá, làm món nào cũng ngon. Nay ba khía tại vùng Xẻo Lá có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Hiện có đủ kiểu bắt ba khía. Theo các con sông, con rạch ở Xẻo Lá sẽ thấy thấp thoáng bóng người câu ba khía. Câu ba khía ngộ và vui hơn câu cá. Người câu không dùng mồi, chỉ lấy tấm vải buộc vào lưỡi câu rồi thả xuống nước, ngay hang chúng. Ba khía thấy tấm vải thì kẹp chặt, lì lợm không chịu nhả và thế là bị lôi lên mặt nước. Hoặc dùng bẫy chuột để bắt ba khía, người ta lấy mồi ôi thúi bỏ vào bẫy chuột rồi đặt bẫy ngay chỗ nào đó trên đất cạn. Ba khía tham mồi bò vào ăn, dính bẫy.
Cách đây 5 năm, một đồng nghiệp viết bài về ba khía đã méo mặt khi đoạn văn miêu tả ba khía ăn với cơm nguội mới ngon bị biên tập lại thành ăn với cháo mới ngon. Ba khía ăn với cháo khác nào lấy rượu ngon pha nước lã. Nhưng thôi, vật đổi sao dời, bây giờ ở Sài Gòn nhiều hàng quán đã bán cháo ba khía. Ngon hay dở chưa biết nhưng đã tồn tại tới nay thì chắc mùi vị phải có nét riêng.
Giờ mà nghe bài hát Anh ba khía lại thương cho con vật xù xì miền quê. Ngày xưa, chúng là món ăn mà người nghèo ít đụng tới, đến khi thành món ngon thì chẳng còn nhiều. Cho nên thông tin Trường ĐH Cần Thơ đang nghiên cứu nuôi ba khía thì nhiều người ngạc nhiên: “Ba khía mà cũng nuôi nữa à?”.
Thanh Dũng
Bình luận (0)