|
Coi cá voi như cha
Trong tâm thức của ngư dân, cá voi là vị cứu tinh mỗi khi tàu bè gặp nạn giữa muôn trùng biển cả, ban phước cho những làng chài. Nhìn cái cách ông Nguyễn Lung (75 tuổi, người trông coi lăng Ông Nam Hải, P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn) tỉ mẩn lau từng hạt bụi tại điện thờ Nam Hải thần ngư trong lăng cũng đủ thấy lòng tôn kính của ông với loài cá này. Với ông, được làm người trông coi lăng ở đây là một điều phúc mà không phải ai cũng có được. “Thời trẻ, lúc còn ngang dọc đây đó trên biển, tui may mắn được gặp Ông (cá voi) nhiều lần. Những lần đó, tàu đều tai qua nạn khỏi trước các trận cuồng phong. Khi tuổi già sức yếu, tui nguyện làm người giữ lăng để ngày ngày được trông coi, thờ kính Ông như cha”, ông Lung bộc bạch bên bàn thờ cá voi.
Những câu chuyện kỳ bí về loài cá khổng lồ này được người dân làng chài khu 2 (thuộc P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn) lưu giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác như muốn nhắc nhở con cháu, nhất là những ai tiếp tục gắn mình với nghiệp biển rằng phải biết tôn kính, thờ phụng loài cá ân nhân này. Ông Trần Khánh Long (67 tuổi, ở P.Trần Phú) kể: Có một ngư dân đi đánh bắt xa bờ, đêm khuya bất cẩn rớt xuống biển không ai biết. Đến sáng khi mọi người biết chuyện quay lại tìm không thấy, đã điện về cho người thân mang đồ cúng ra bãi biển khấn vái mong nhận được xác. Điều kỳ diệu là khi ngư dân này cố gắng chống chọi sóng biển đến lúc kiệt sức, thì bỗng thấy toàn thân ấm áp và được nâng lên trên mặt nước nhờ Ông (cá voi) “cõng” bơi trên mặt biển suốt cả ngày cho đến khi gặp tàu cứu vớt...
Theo các ngư dân, làng vạn chài nào thấy cá voi bị sóng gió đẩy vô gần bờ thì đều tìm mọi cách hỗ trợ đẩy ra ngoài biển khơi. Nếu cá voi không đủ sức bơi đi mà tiếp tục dạt vào bờ thì dân vạn chài đón rước vào lăng Ông tổ chức nghi lễ cúng bái cho đến khi “lụy” (chết). Người đầu tiên nhìn thấy cá voi lúc đó sẽ để tang như để tang cha mình.
Đám tang cá voi
Theo tục lệ, cá voi khi yếu dạt vào bờ được ngư dân rước vào lăng đến khi cá chết thì bắt đầu làm các nghi thức tang lễ uy nghiêm nhất. Ngư dân tin rằng, cá voi “chọn” làng chài nào làm nơi an nghỉ thì làng chài đó coi như được ban phước, phù hộ làm ăn khấm khá. Ông Trần Khánh Long cho biết, nhiều khi 2 làng chài đánh nhau để giành tổ chức an táng Ông (cá voi) cũng vì lẽ đó.
Các ngư dân tâm niệm, thuyền của mình khi đi đánh bắt ở bất kỳ đâu mà gặp cá voi chết thì đều phải bỏ chuyến biển mà vớt cá voi lên thuyền, bỏ vào hầm ướp đá để đem về làng chài ở địa phương mình chôn cất rồi mới tính tới chuyện tiếp tục đi biển. Theo ông Nguyễn Lung, nếu thuyền nào gặp cá voi sắp lụy mà không đưa vào bờ thì thuyền đó sẽ bị phạt suốt đời không đánh bắt gì được nữa.
Ông Mai Như Hữu (75 tuổi), Trưởng ban Cung phụng đình thờ Nam Hải thần ngư cho biết: “Nghi thức tang thường diễn ra trong 3 ngày, tùy theo Ông (cá voi) sống bao lâu khi vào lăng. Sau đó, sẽ tổ chức đi chôn bên bán đảo Hải Giang (TP.Quy Nhơn) bằng thuyền với đủ lộng, cờ xí, trống chiêng... Sau 3 năm thì tổ chức hốt cốt đem về lăng thờ”. Hàng năm, có 2 ngày cúng Ông (cá voi) lớn theo âm lịch là mồng 5 tháng 2 và 20 tháng 8.
Hiện, lăng Ông Nam Hải ở TP.Quy Nhơn là nơi lưu giữ nhiều bộ cốt cá voi nhất, với cả trăm bộ cốt đựng trong các quách gỗ đóng kín thờ cúng trong gian chính điện, được phân chia bên phải gian chính điện đặt cốt cá voi đực còn bên trái đặt cốt cá voi cái. Lăng Ông ở thôn An Quang (xã Cát Khánh, H.Phù Cát) có gần 70 bộ cốt cá voi, được sắp xếp gọn gàng trưng bày từng ngăn trong tủ kính. Lăng Ông ở thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn) lưu giữ khoảng 50 bộ cốt cá voi…
Cá voi được vua phong đại tướng
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ cá voi là tín ngưỡng của người Chăm được người Việt tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hóa. Trong thần thoại Chăm thì cá voi vốn là hóa thân của vị thần Cha-Aih-Va, sau đó đã đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng Biển) cứu giúp những người bị đắm thuyền. Có sự tích thì kể Phật bà Quan m thấy dân lành đói khổ, thường xuyên phải ra biển kiếm ăn trong điều kiện mưa bão nguy hiểm... nên đã xé vụn chiếc áo cà sa của mình quăng xuống biển, biến thành vô vàn cá voi được ban phép để làm nhiệm vụ cứu người giữa bão tố. Một truyền thuyết khác, thời gian khó đi trên biển bị nạn được cá voi cứu giúp nên sau khi lên ngôi thì vua Gia Long đã sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại Tướng Quân, Ngọc Lân Chi Thần và khuyến dụ ngư dân thờ phụng.
Nhiều lăng Ông còn giữ được sắc phong của triều Nguyễn như Lăng Ông ở thôn Vĩnh Lợi 3 (H.Phù Mỹ) được xây dựng từ năm 1791, hiện còn giữ được 5 sắc phong ghi các niên hiệu thuộc các thời vua triều Nguyễn, Lăng Ông ở làng Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn) còn lưu giữ 6 sắc phong của các vua triều Nguyễn, cùng với hai liễn phong: Ngọc Tôn Thần và Võ Cao Môn. Giữ được nhiều sắc phong nhất là lăng Ông ở thôn Kim Giao Nam (xã Hoài Hải, H.Hoài Nhơn).
Theo ông Mai Như Hữu, việc thờ cúng cá voi đối với dân làng chài là vô cùng quan trọng. Họ, những ngư dân quanh năm lênh đênh biển khơi, coi việc giữ gìn tín ngưỡng này như giữ chính bổn mạng của mình. Nó không những là vấn đề “có cũng có thiêng, có kiêng có lành” mà còn là nét đẹp văn hóa của mỗi làng chài. Các lăng Ông hàng năm đều tổ chức lễ hội cầu ngư để con em vạn chài khắp nơi về tụ hội. Trong đó, lễ hội cầu ngư (ngày 10.4 âm lịch) ở thôn An Quang được tổ chức hoành tráng nhất, thường kéo dài đến 10 ngày với nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân gần xa.
Tâm Ngọc
>> Chôn xác cá ông dạt vào bờ biển
>> Xác cá ông dạt vào bờ biển
>> Cá ông và ngư dân
>> Cá ông trọng thương bị sóng tấp vào sát bờ
Bình luận (0)