Chủ trương lớn chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai đã bị Công ty Bình Dương và Trung đoàn 110 có trụ sở tại tỉnh này lợi dụng. Cụ thể, trong 2 năm 2010-2011, UBND tỉnh Gia Lai đã giao các quyết định thu hồi 2.774 héc ta đất lâm nghiệp trên lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, H.Chư Prông cho Công ty Bình Dương để trồng cao su. Tuy nhiên, công ty này chỉ trồng trên 500 héc ta cao su thuộc vùng dự án được giao. Sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án là công ty đã tự ý trồng 474 héc ta cao su ngoài ranh giới được giao đất.
Tương tự, tại Trung đoàn 710, hàng chục héc ta đất lâm nghiệp cũng bị tự ý chuyển sang trồng cao su. Được biết, cả hai đơn vị này đều thuộc Tổng công ty 15 nhưng những sai phạm này không được báo cáo kịp thời lên UBND tỉnh Gia Lai - nơi ký quyết định giao đất. Điều đáng nói, khi tự ý khai hoang đất lâm nghiệp để trồng cao su, số gỗ trên vùng đất này chắc chắn không hề nhỏ và chưa được thống kê số lượng khai thác cũng như đã trôi nổi về đâu.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng đã có thông báo kết luận: Công ty TNHH MTV Bình Dương và Trung đoàn 710 đã triển khai dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp không theo đúng quy định; thuê tư vấn khảo sát đất và thiết kế lập dự án không kỹ, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về điều kiện thổ nhưỡng, dẫn đến nhiều diện tích cao su sau khi trồng 1-3 năm thì bị chết.
Đối với diện tích cao su mà các đơn vị đã trồng trong phạm vi cách mép sông, suối tối thiểu 50 mét và cách lề quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện tối thiểu 100 mét, vi phạm quy định thì không được cho thuê đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước mắt, diện tích trên vẫn để các đơn vị chăm sóc và khai thác, khi địa phương có nhu cầu sử dụng sẽ thu hồi mà không phải đền bù. Đối với diện tích đất đã khai hoang nhưng không trồng được cao su, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Bình Dương, Trung đoàn 710 phải trồng lại rừng và trả lại cho địa phương quản lý.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai cũng giao cho các sở ngành liên quan cùng Tổng công ty 15 kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các bên vi phạm. Đối với diện tích đã khai hoang và trồng cao su ngoài dự án đã cho thuê đất, phải xác định trạng thái rừng trước khi khai hoang, trữ lượng gỗ và giá trị báo cáo UBND tỉnh để yêu cầu Công ty Bình Dương và Trung đoàn 710 nộp tiền vào ngân sách nhà nước…
Trần Hiếu
>> Dân phản đối phá cao su trồng mía
>> Tự ý trồng cao su ngoài vùng phê duyệt
>> Tiếp tục trồng cao su
Bình luận (0)