|
Ngày 10.12, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư Đại Sơn (Công ty Đại Sơn) với Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội (Handico), trực thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Vụ án này được coi là hy hữu khi chủ đầu tư kiện nhà thầu, là một doanh nghiệp nhà nước để đòi bồi thường số tiền hàng chục tỉ đồng do chậm tiến độ.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6.2007, Công ty Đại Sơn và Handico ký hợp đồng xây lắp số 3 về gói thầu xây dựng Trường trung cấp huấn nghệ Việt - Mỹ tại Chí Linh, Hải Dương với tổng giá trị hợp đồng là trên 28,3 tỉ đồng.
Theo hợp đồng, sau thời gian thi công là 240 ngày, nhà thầu phải bàn giao toàn bộ công trình để chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, quá thời hạn trên hai tháng, nhà thầu chỉ hoàn thành được 34% khối lượng công trình. Bên cạnh đó, nhà thầu còn vi phạm thảo thuận về bảo lãnh tín dụng.
Lo ngại việc chậm trễ của nhà thầu gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên Công ty Đại Sơn đã chấm dứt hợp đồng với Handico, thuê nhà thầu khác vào thi công phần còn lại hết trên 30 tỉ đồng, đồng thời khởi kiện Handico ra TAND thị xã Chí Linh đòi bồi thường trên 18,8 tỉ đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 5.2011, TAND thị xã Chí Linh đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu của Công ty Đại Sơn và buộc công ty này phải trả hơn 328 triệu đồng án phí.
Tại phiên phúc thẩm vào tháng 9.2011, TAND tỉnh Hải Dương tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Đại Sơn và buộc Handico phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng khoản tiền hơn 11 tỉ đồng. Đến tháng 8.2012, quyết định giám đốc thẩm của Tòa kinh tế TAND Tối cao cho rằng, cả nguyên đơn và bị đơn đều có lỗi nên hủy án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại.
Tại phiên phúc thẩm ngày 10.12, nguyên đơn đề nghị Handico phải bồi thường các khoản thiệt hại do chậm tiến độ ảnh hưởng đến công trình, chi phí phải thuê tư vấn giám sát.
Trong khi đó, đại diện Handico dù thừa nhận có việc chậm tiến độ nhưng lỗi là do “khách quan”. Cụ thể là do chủ đầu tư bàn giao mặt bằng “không chuẩn” khiến việc thi công khó khăn. Vị này cũng cho rằng, cách tính thời gian thi công 240 ngày chỉ trừ ngày lễ tết mà không trừ ngày chủ nhật là không phù hợp với luật lao động.
Tuy nhiên, khi bị chủ tọa truy, đại diện Handico thừa nhận khi trúng thầu và ký hợp đồng đã có đến kiểm tra thực tế mặt bằng cũng như ký kết các biên bản bàn giao mặt bằng. Mặt khác, trong các biên bản thi công cũng ghi nhận Handico có bố trí công nhân đến công trường làm việc vào ngày chủ nhật.
Căn cứ hủy hợp đồng được dựa vào chứng thư bảo lãnh, đại diện Handico cho rằng đã phát hành chứng thư bảo lãnh. Trong khi đó, Công ty Đại Sơn lại đưa ra bằng chứng Handico phát hành chứng thư bảo lãnh nhưng gửi qua đường fax là không hợp lệ theo quy định về tín dụng ngân hàng. Điều này cũng được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh xác nhận bản photo (qua fax) là không có giá trị thanh toán và giải ngân.
Căn cứ vào chứng cứ tài liệu vụ án cũng như phần xét hỏi tại tòa, Viện KSND tỉnh Hải Dương xác định “tỷ lệ lỗi” của hai bên khiến hợp đồng kinh tế bất thành là Handico phải chịu trách nhiệm 70%, Công ty Đại Sơn 30%.
Phần trách nhiệm này được quy ra tiền theo hướng sau khi trừ đi phần lỗi của đối tác thì Handico phải bồi thường cho Công ty Đại Sơn tổng số tiền 9,4 tỉ đồng. Khoản tiền này được nêu rõ là phạt do chậm tiến độ, tiền trượt giá phần công trình còn lại, tiền chủ đầu tư phải đi thuê tư vấn giám sát. Cơ quan công tố cũng nhận định, việc tòa sơ thẩm đưa ra mức án phí là không đúng quy định pháp luật cần phải sửa lại.
Hội đồng xét xử nghỉ để nghị án và dự kiến tuyên án vào ngày 12.12.
Thái Sơn
>> Xử lý chủ đầu tư làm nhà tái định cư chậm tiến độ
>> Nhiều dự án dân cư chậm tiến độ
>> Muốn đóng tiền ‘giải cứu’ dự án chậm tiến độ cũng khó
>> Dự án hầm Đèo Cả chậm tiến độ
>> Dự án nhà ở xã hội tây nam hồ Linh Đàm chậm tiến độ
>> Chuyển giao khối lượng do nhà thầu chậm tiến độ cầu Gò Nổi
>> 50 dự án ở Quảng Nam chưa triển khai hoặc chậm tiến độ
>> Đường sắt trên cao có thể chậm tiến độ
Bình luận (0)